XEN CANH CÂY TRỒNG TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

XEN CANH CÂY TRỒNG TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

Khái niệm: Xen canh cây trồng là trồng nhiều loại cây trồng khác nhau ở cùng thời gian trên một đơn vị diện tích phù hợp với sinh trưởng của cây.

Mục đích: Xen canh nhằm tạo ra một năng suất cao hơn trên một diện tích bằng cách tận dụng các nguồn tài nguyên không được sử dụng đến khi chỉ trồng độc canh. Trong trường hợp cây trồng độc canh bị sâu bệnh phá hại quá mức thì với cách trồng thêm nhiều loại cây trên cùng một diện tích sẽ làm giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Để trồng xen thành công, điều đặc biệt quan trọng là cây trồng xen không cạnh tranh nhau về không gian, dinh dưỡng, nước, ánh sáng. Chiến lược xen canh là trồng cây có bộ rễ ăn sâu với cây có bộ rễ ăn nông, hoặc trồng cây có đặc điểm thân cao với cây thân thấp và chịu bóng.

Xen canh phù hợp với nguyên tắc sinh thái của Nông nghiệp hữu cơ. Nó làm gia tăng mức độ đa dạng sinh học trong hệ sinh thái;  các thành phần trong hệ sinh thái hỗ trợ, cạnh tranh với nhau và duy trì tính cân bằng của hệ sinh thái tốt hơn.

xen canh trong nông nghiệp hữu cơ
xen canh trong nông nghiệp hữu cơ

Một số phương pháp chung trong xen canh:

Trồng xen hỗn hợp: Đây là cách trồng xen cơ bản nhất mà tất cả các loại cây xen được trồng trộn lẫn nhau trong tất cả các khoảng trống có ở trên ruộng.

Xen canh theo hàng: Nhiều hàng hoặc luống của một loại cây được trồng xen kẽ với nhiều hàng, luống của loại cây khác.

Xen theo kiểu trồng gối (trồng xen kế tiếp): Các loại cây khác nhau được trồng vào những thời điểm riêng biệt. Trong cách trồng này, cây trồng gối tiếp sẽ được gieo trồng khi cây thứ nhất đang sinh truởng, để khi cây thứ nhất được thu hoạch sẽ có khoảng không đầy đủ để cây thứ hai trồng gối tiếp sẽ phát triển tốt.  

Trồng kèm là một kiểu trồng xen đặc biệt bằng cách trồng kết hợp một cách hiệu quả các cây có khả năng hỗ trợ nhau. Các cây kèm nhau có thể làm lợi cho nhau theo một số cách bao gồm: 

– Làm tăng thêm hương vị: Có một số cây, đặc biệt là các loại cây gia vị dường như có khả năng làm thay đổi hương vị của các cây được trồng xung quanh trở nên tinh tế hơn. Ví dụ như Cà chua trồng xen với Húng quế có mùi vị thơm ngon hơn.

– Làm giảm rủi ro: Trồng nhiều loại cây trong cùng một ruộng sẽ làm tăng thêm sản lượng thu từ các loại cây  khác nhau, cho dù có thể phải đương đầu với một loạt các vấn đề vô cùng bất lợi trong sản xuất.

– Làm cân bằng sự tương tác: Trong cùng một vị trí, khi các cây được trồng kèm ở các mức độ cao thấp khác nhau có thể tạo sự che phủ cho mặt đất hoặc có tác dụng như một giàn lưới che cho cây khác.

– Sự cố định đạm: Trồng kèm các cây có khả năng cố định đạm sẽ tạo ra một lượng đạm sẵn cho cây khác sử dụng.

– Ngăn cản sâu hại: Trồng kèm các cây tiết ra hóa chất xua đuổi côn trùng, hoặc các loại gây hại khác như tuyến trùng hoặc nấm.

– Vật chủ tin cậy: Trồng kèm những cây hấp dẫn hoặc cây làm nơi cư trú cho các côn trùng có lợi hoặc các sinh vật có ảnh hưởng tốt cho cây trồng như bọ rùa hoặc một số loại “tuyến trùng có ích”

– Nơi ẩn náu tin cậy: Trồng kèm một loại cây có thể có tác dụng như một hàng chắn gió hoặc tạo bóng cho các loại sinh vật khác ẩn náu

– Cây bẫy: Trồng kèm các loại cây có khả năng thu hút dịch hại ra khỏi các cây khác

– Kiểu gây chia rẽ: Nếu trồng độc canh, dịch hại từ một cây trồng có thể lây lan dễ dàng và nhanh chóng sang các cây bên cạnh. Trồng cây khác kèm theo sẽ làm đứt quãng sự lây lan của loài gây hại này.

Tuy nhiên, độc tố của một số loại cây đôi khi có ảnh hưởng tiêu cực tới sự sinh trưởng của các cây trồng nào đó. Phản ứng hóa học này được gọi là sự cảm nhiễm qua lại. Ví dụ như cây hoa hướng dương có đặc tính gây cảm nhiễm qua lại.

xen canh cây trồng
xen canh trong nông nghiệp hữu cơ

Một số nguyên tắc cần chú ý khi trồng xen:

          + Không trồng nhiều loại cây cùng họ trên cùng mảnh ruộng

          + Các loại cây trồng xen không yêu cầu chất dinh dưỡng giống nhau

          + Có bộ rễ phân bố ở các lớp đất khác nhau.

          + Có chiều cao cây khác nhau

          + Có thời gian sinh trưởng và thu hoạch khác nhau

Nên trồng xen các loại rau gia vị, một số loại hoa như cúc vạn thọ, sen cạn có thể xua đuổi côn trùng có hại.

TT

Loại rau

Cây kết hợp

Cây đối kháng

1

Măng tây

Cà chua; múi; húng quế

Hành tây; tỏi

2

Đậu cô ve

Khoai tây; cà rôt; dưachuột; su lơ; cải bắp; húng; rau thơm

 

3

Bầu

mứop hương; dưa chuột; mướp đắng

 

4

Đậu cô ve leo

Khoai tây; dưa chuột; ngô; dâu tây; cần tây; húng

Hành tây

5

Củ cải đường

Hành tây; su hào

Đậu leo

6

Cây họ cải

Các loại rau thơm; khoai tây; cần tây; cà chua; thì là; bạc hà; củ cải đường; hành tây; hoa cúc

Dâu tây; đậu leo

7

Cà rốt

Đậu Hà lan; xà lách; hẹ; hành tây; tỏi tây; cà chua

Thì là

8

Cần tây

Tỏi tây; cà chua; đậu cô ve leo; su lơ; cải bắp;

 

9

Hẹ tây

Cà rốt

Đậu hà lan; đậu cô ve

10

Cây ngô

Đậu bắp; cà chua; đậu cô ve leo; đậu leo; cải bắp; lạc; bí xanh; khoai tây; đậu hà lan; dưa chuột

 

11

Dưa chuột

đậu leo; cải củ; đậu bắp; cà tím; đậu cô ve; ngô; đậu Hà lan; hướng dương

Khoai tây; rau thơm

12

Cà tím

Đậu cô ve; rau muống; bí xanh thân bò; cải bao; cải củ

 

13

Rau muống

Cà chua; đậu bắp; ngô; cà tím; rau dền; và bất kì cây trồng nào cần giàn leo

 

14

Tỏi tây

Hành tây; cần tây; cà rốt

 

15

Xà lách

Cà rốt; cải củ; dâu tây; dưa chuột

 

16

Đậu xanh

ngô

 

17

Đậu bắp

Rau muống; bí xanh thân bò; cải bao; cải củ

 

18

Hành tây; tỏi

Củ cải đường; dâu tây; cà chua; xà lách;; húng; cà rốt;

đậu Hà lan; đậu cô ve

19

Mùi tây

Cà chua; măng tây

 

20

Đậu Hà lan

Cà rốt; củ cải; dưa chuột; ngô; đậu cô ve; hầu hết các loại rau và rau thơm

Hành tây; tỏi

21

Khoai tây

Đậu cô ve; ngô;cải bắp; hướng dương

Bí xanh; dưa chuột; cà chua; mâm xôi

22

Bí xanh

Ngô

Khoai tây

23

Củ cải

Đậu Hà lan; cây sen cạn; xà lách; dưa chuột;

 

24

Đậu tương

Trồng với bất cứ cây nào

 

25

Mướp hương

Bầu; dưa chuột; mướp đắng

 

26

Cà chua

Hẹ, hành tây; mùi tây; xà lách; măng tây; cúc vạn thọ; cây sen cạn; cà rốt; cải củ; cải bao; rau muống, bí xanh

Su hào; khoai tây; thì là; cải bắp

Tài liệu tham khảo:

ADDA (2008) – Giáo trình huấn luyện nông dân sản xuất hữu cơ 

NGUT. TS. Trần Thị Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (COA) – Đại học Lâm nghiệp

xen canh trong nông nghiệp hữu cơ

Tags: Organic