Khái niệm: Nhóm là một tổ chức gồm những người có cùng chung sở thích, tự nguyện tham gia để cùng nhau thực hiện để đạt được mục đích chung đề ra nhưng không vi phạm quy định của pháp luật.
Lợi ích của hoạt động nhóm
Hoạt động trong nhóm có những lợi ích như sau:
-Tăng cường hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động cộng đồng.
– Tăng thêm thu nhập và phát triển sản xuất.
– Nhiều cơ hội tiếp thu thêm những kiến thức và kỹ năng, kỹ thuật mới, đặc biệt là kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường.
– Thuận lợi cho việc vay vốn, tiếp cận các quỹ tài chính và các dịch vụ khác.
– Xây dựng và sử dụng có hiệu quả các nguồn quỹ của nhóm
– Xây dựng khả năng tự chủ của mỗi một thành viên, nhóm và cộng đồng.
– Thúc đẩy cộng đồng phát triển thông qua các hoạt động cộng đồng
Tiến trình phát triển nhóm
Trong quá trình xây dựng và phát triển nhóm thường trải qua các giai đoạn sau:
Hình thành xây dựng nhóm: đây là giai đoạn khi các thành viên có chung một sở thích tự nguyện hình thành một nhóm, ở giai đoạn này mọi người dễ dàng chấp nhận nhau, các bất đồng nhỏ tính cách, lối sống thường được bỏ qua. Trong giai đoạn này, lúc đầu các thành viên còn dè dặt cho dù sống chung trong cộng đồng cho nên mối quan hệ các thành viên trong nhóm bị hạn chế, sau đó các thành viên trong nhóm chủ động hơn trong các hoạt động, mối quan hệ giữa các hộ được cải thiện và phát triển.
Cạnh tranh: Khi hoạt động ổn định và có lợi nhuận, trong nhóm nảy sinh những mẫu thuẫn do: tích cách/tính tình khác nhau, mục đích riêng của mỗi thành viên được thể hiện hay là do từ mâu thuẫn trong sinh hoạt, gia đình thậm chí từ quyền lợi được hưởng trong nhóm… các hoạt động nhóm bị ảnh hưởng, một số nhóm tan vỡ luôn ở giai đoạn này nếu các mâu thuẫn không được giải quyết.
Ổn định và phát triển: Đây là giai đoạn các mâu thuẫn trong nhóm được giải quyết thông qua những quy chế, thể chế mới được bổ sung hoặc là chỉ còn lại những thành viên thực sự mong muốn hoạt động nhóm. Từ đó nhóm bước vào giai đoạn ổn định và phát triển, kể cả về số lượng thành viên, chất lượng các hoạt động cũng như kết quả lợi ích đem lại cho nhóm.
Tan rã: sau giai đoạn phát triển, nhu cầu mới nảy sinh trong nhóm và các thành viên. Do đó nhóm có thể liên kết với các nhóm khác để thành lập liên nhóm hoặc hiệp hội, thậm chí các thành viên trong nhóm tách ra để thành lập các nhóm mới…
Nhóm sản xuất thành lập phát triển hoạt động hiệu quả mang lại nhiều lợi ích cho các viên trong nhóm, cho cộng đồng. Nhiều nhóm cùng phát triển sẽ hướng tới việc liên kết các nhóm để thành lập hiệp hội, mạng lưới hoặc một hình thức tổ chức liên kết các nhóm cộng đồng.
Trong quá trình tập huấn, đào tạo, thành lập các nhóm sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ chúng tôi chú trọng đào tạo các kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các thành viên. Ngoài ra còn đào tạo các kỹ năng mềm để phát triển các nhóm sản xuất hoạt động hiệu quả. Sản xuất hữu cơ phải có đất tập trung và làm việc theo nhóm. Các thành viên được trang bị các kỹ năng mềm như kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe, cho và nhận phản hồi, kỹ năng giao nhiệm vụ, kỹ năng điều hành các cuộc họp có sự tham gia…
Hiện tại trong hệ thống PGS Việt Nam có 3 liên nhóm với 166 thành viên tham gia trong đó Liên nhóm hữu cơ Thanh Xuân có 16 nhóm, Liên nhóm hữu cơ Lương Sơn có 18 nhóm và Liên nhóm Trác Văn có 3 nhóm đang hoạt động sản xuất các loại rau quả hữu cơ cho 21,7ha được chứng nhận và 26,3 ha đang chuyển đổi. Trong quá trình hình thành và phát triển các nhóm đã trải qua rất nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng là các nhóm đã biết vận dụng các kiến thực được đào tạo để áp dụng vào thực tế sản xuất cũng như duy trì và phát triển nhóm bền vững.
Công tác thanh tra, giám sát và cấp chứng nhận đã phát huy được sức mạnh làm việc của các thành viên trong nhóm sản xuất. Mỗi người một nhiệm vụ, cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, giám sát, thanh tra nội bộ. Việc cấp chứng nhận theo nhóm đã giúp các thành viên ý thức sâu sắc trong việc chấp hành kỷ luật và sản xuất theo tiêu chuẩn.
Hướng dẫn ghép cây ăn quả cho chị em phụ nữ xã Phúc Sơn, Nghĩa Lộ, Yên Bái
Tập huấn kỹ năng thanh tra cho PGS Tuyên Quang
Họp với Liên nhóm hữu cơ Lương Sơn
Sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp thăm HTX rau hữu cơ Đồng Sương và trao đổi với bà con nông dân sản xuất hữu cơ
NGUT. TS. Trần Thị Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (COA) – Đại học Lâm nghiệp