TỔNG QUAN VỀ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ THẾ GIỚI

           Năm 1972, Liên Đoàn các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ Quốc Tế (IFOAM) được thành lập tại Versailles – Pháp, với mục đích là truyền thông và trao đổi các thông tin liên quan đến nguyên tắc và thực hành của nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.

           Năm 1980 IFOAM đã ban hành tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ bản đầu tiên. Đến năm 2016, trên thế giới có 179 quốc gia sản xuất NNHC, trong đó có 87 quốc gia đã có Tiêu chuẩn quốc gia (theo FiBL – 2016), phần lớn các quốc gia này quy định bắt buộc áp dụng theo Tiêu chuẩn hữu cơ (77 quốc gia). Các Tiêu chuẩn nhằm 2 mục tiêu chủ yếu là: Thúc đẩy sản xuất nội địa hướng tới xuất khẩu; nhưng vẫn đảm bảo giữ vững 4 nguyên tắc kim chỉ nam của nông nghiệp hữu cơ là: sức khỏe, sinh thái, cẩn trọng, công bằng.

           Với sự lớn mạnh của Liên Đoàn các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ Quốc Tế – IFOAM, nông nghiệp hữu cơ là một trong những lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới. Năm 2003, có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp hữu cơ. Giá trị thị trường toàn cầu hàng hóa hữu cơ là 25 tỷ USD/năm (Willer và Yussefi 2005).

           Năm 2020: 190 quốc gia tham sản xuất NNHC, có khoảng 74,9 triệu ha đất nông nghiệp hữu cơ (chiếm 1,6% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn thế giới), tăng 3 triệu ha so với năm 2019. Giá trị thị trường hàng hóa hữu cơ toàn cầu là 120,6 tỉ Euro, (so với năm 2000 là 15,1 tỉ Euro). (Báo cáo thường niên IFOAM năm 2020)

CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VIỆT NAM

          Đầu những năm 90, một số tổ chức phi chính phủ của các nước đã đến Việt Nam nghiên cứu và đầu tư một số dự án sản xuất hữu cơ. Đầu tiên là dự án trồng chè hữu cơ tại xã Tức Tranh – Phú Lương – Thái Nguyên của tổ chức CIDCE.

        Năm 2005, tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á của Đan Mạch (ADDA) cùng Hội Nông dân Việt Nam triển khai dự án: “Phát triển khung sản xuất và thị trường Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam”. Dự án được triển khai tại 7 tỉnh ( Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng) từ năm 2005 đến năm 2012, tập trung vào các sản phẩm: rau, lúa, cam, vải, bưởi, chè, cá… đã hình thành được gần 90 nhóm nông dân và hàng ngàn hội viên nông dân tham gia, năm 2008 PGS Việt Nam ra đời là một kết quả thành công của dự án. Đến nay, những mô hình sản xuất hữu cơ và nguồn nhân lực đã được đào tạo vẫn đang đi đầu và tiên phong trong phong trào sản xuất hữu cơ ở VN như: sản xuất rau hữu cơ PGS ở Lương Sơn – Hòa Bình, Thanh Xuân – Sóc Sơn – Hà Nội, chè Shan Tuyết Bắc Hà – Lào Cai, Cam Hàm Yên – Tuyên Quang…)

Cà chua hữu cơ PGS 

     Năm 2011, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 1820/2011/QĐ – BNV thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

          Hiệp hội sau khi ra đời đã có những kết quả hoạt động thực chất, hiệu quả, nhất là về tư vấn chính sách, đề xuất và tham gia xây dựng với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ và Chính phủ về xây dựng chính sách cho phát triển NNHC Việt Nam. Thúc đẩy kết nối các cá nhân, đơn vị tham gia chuỗi tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, đồng thời Hiệp hội là ngôi nhà chung, trung tâm tập hợp những cá nhân, đơn vị có tâm huyết tham gia nghiên cứu, sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm HC. Đặc biệt, Hiệp hội là đơn vị duy nhất hỗ trợ cho các PGS hữu cơ tại Việt Nam, là ngôi nhà tập hợp tất cả các PGS hữu cơ cùng hợp tác và phát triển.

          Đến năm 2019 các chính sách hỗ trợ phát triển NNHC tại Việt Nam đã ban hành gồm:

  • Tiêu chuẩn NNHC quốc gia 11041:2017-2018, Nghị định 109/2018/NĐ-CP về phát triển Nông nghiệp hữu cơ (tháng 8 năm 2018),
  • Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 1909/2018 của Chính phủ về NNHC
  • Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/06/2020… 

          Xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ như: Trác Văn (Hà Nam), Hội An (Đà Nẵng), Bến Tre; Đơn Dương (Lâm Đồng); công ty Viễn Phú sản xuất lúa – tôm (Cà Mau) với diện tích canh tác trên 10.000 ha, Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; các công ty DACE, Vinasamex… sản xuất, chế biến quế, hồi, gia vị hữu cơ; nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau, Tại huyện Thạch Thành (Nghệ An), tập đoàn TH quản lý một trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại, sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình hữu cơ với hàng ngàn bò sữa đã đạt chứng nhận của USDA, EU và sản phẩm rau củ quả, dược liệu cũng đạt tiêu chuẩn tương tự…

          Ngoài xuất khẩu thì thị trường bán lẻ các sản phẩm NNHC trong nước đã rất nhộn nhịp và quy mô đang được mở rộng trên khắp các tỉnh thành: các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cung cấp sp NNHC có uy tín từ nhiều năm nay tại miền Bắc như Bác Tôm, Tâm Đạt, Sói Biển, tại miền Nam có Sài Gòn Co.op, Organica,… Các sản phẩm NNHC cũng đã lên kệ một số trung tâm thương mại, các siêu thị lớn như Aeon, Winmart (Vinmart), Big C, Lotte Mart, Hapro… một số tỉnh, thành phố đã có thêm các cửa hàng thực phẩm sạch, phân phối các sản phẩm NNHC đến tận tay người tiêu dùng. 

          Gần đây đã có một số tỉnh thành đã có chủ trương thành lập Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh như: Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên…, Các chi Hội NNHC đã thành lập gồm: Chi hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Lai Châu (tháng 01/2022); Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Đại học Nông Lâm, Đại học Huế (tháng 4 năm 2021); Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội (tháng 4 năm 2021).

          Số địa phương (tỉnh, thành) có sản xuất hữu cơ tăng nhanh, từ chỉ 7 tỉnh trước năm 2011 đến năm 2020: 43 tỉnh thành (tăng 6 lần); diện tích sản xuất hữu cơ năm 2012 là 36.285 ha, năm 2015 là 76.666 ha, năm 2020 khoảng hơn 157.000 ha. Đặc biệt đến năm 2020 đã có 17 PGS hữu cơ phát triển tại 18 tỉnh thành Việt Nam.

          Trong tương lai không xa, NNHC là một trong những giải pháp bền vững cho sự phát triển nền nông nghiệp Việt nam cũng như trên thế giới, vừa đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo được sự phát triển và cân bằng của hệ sinh thái, của Trái đất. “Khoảng 30% sản lượng cây trồng và nguồn cung cấp lương thực toàn cầu được sản xuất bởi diện tích đất nhỏ – dưới 2ha – sử dụng khoảng 25% đất nông nghiệp và bằng cách thường xuyên duy trì phong phú đa dạng sinh học nông nghiệp.” – Theo IFOAM. (https://www.ifoam.bio/why-organic)