TỌA ĐÀM “XÁC ĐỊNH RÀO CẢN VÀ KHUYẾN NGHỊ CẢI THIỆN CHÍNH SÁCH THU HÚT ĐẦU TƯ TƯ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỐI KHÍ HẬU”

Ngày 11 tháng 8 năm 2022, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã tham dự Tọa đàm “Xác định rào cản và khuyến nghị cải thiện chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu” do Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài Nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.

tọa đàm thích ứng biến đổi khí hậu

Hình ảnh các đại biểu tham gia tọa đàm

Tham dự buổi Tọa đàm có Ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài Nguyên và Môi trường, Ông Patrick Haverman – Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Bộ Giao thông vận tải, Đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ TNMT, Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại diện 24 Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố thuộc khu vực Miền Bắc, Lãnh đạo một số doanh nghiệp đã và đang có hoạt động đâu tư liên quan đến thích ứng với BĐKH, Các chuyên gia trong và ngoài nước của UNDP, Đại diện các tổ chức, hiệp hội phát triển tại Việt Nam.

Phát biểu mở đầu buổi Tọa Đàm, ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài Nguyên và Môi trường nhận định: thích ứng với BĐKH là vấn đề liên ngành, liên vùng phức tạp, trong khi kinh nghiệm xây dựng thích ứng quốc gia và nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế; do đó cần sự hỗ trợ của quốc tế trên cả phương diện kỹ thuật, nhân lực và tài chính; đặc biệt trong các hoạt động về đánh giá tác động của BĐKH, xác định giải pháp thích ứng cho từng vùng, phân tích chi phí – lợi ích cho các nhóm ngành, tiểu ngành dễ bị tác động của BĐKH ở Việt Nam.

Kế hoạch quốc gia thích ứng với Biến đổi khí hậu (BĐKH), gọi tắt là NAP đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020. Bên cạnh đó, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Trong đó, Chiến lược cũng đã đề ra các mục tiêu thích ứng với BĐKH trong từng giai đoạn.

Tại Việt Nam nói chung, BĐKH đã tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, các địa phương, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo của đất nước, đòi hỏi cần có các hành động để kịp thời giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường công tác quản lý rủi ro khí hậu, phòng chống thiên tai.

tọa đàm thích ứng BĐKH

Ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài Nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi Tọa đàm

Việc xây dựng và triển khai thực hiện NAP sẽ giúp chúng ta sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng trong đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC), góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như tuyên bố của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 vào tháng 11 năm ngoái. Năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa mới phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022. Đề án này này sẽ giúp rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, tạo đột phá cho thu hút các dòng vốn đầu tư, phát triển các-bon thấp của các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Trong đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là các hoạt động thích ứng với BĐKH, phục hồi các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hạ tầng thích ứng với BĐKH sẽ được bảo đảm cơ bản, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương, rủi ro trước tác động của BĐKH; các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái, cộng đồng sẽ được áp dụng rộng rãi. Phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

Trong bối cảnh đó, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thông qua UNDP, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam” (NAP – GCF), dự án được chia làm 03 Hợp phần với những mục tiêu cụ thể.

tọa đàm TU BĐKH

Ông Patrick Haverman – Phó trưởng đại diện UNDP Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm

     Dự án được bắt đầu triển khai từ đầu năm 2021 trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tích cực với các Bộ ngành liên quan và UNDP để cố gắng khắc phục hoàn cảnh mong có được những kết quả nhất định. Đến nay các hoạt động dự án đã và đang đi vào những nội dung cốt lõi, nhiều kỳ vọng để đạt được những kết quả như mong đợi của các bên.

    Tại buổi Tọa đàm, đã chia thành 4 nhóm với 4 lĩnh vực là Y tế, Nông nghiệp, Giao Thông Vận Tải và Môi trường, các nhóm đã cùng nhau thảo luận đưa ra những vướng mắc, rào cản mà các doanh nghiệp trong các khối ngành này gặp phải để cùng nhau tháo gỡ. Đại diện nhóm lĩnh vực nông nghiệp, Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ đã mạnh dạn nêu lên ý kiến của mình về những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, đó là việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp với các dự án về BĐKH còn rất hạn chế, cán bộ phụ trách chuyên môn về BĐKH chưa có, kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng còn hạn hẹp… Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ BĐKH.

 Buổi đối thoại toạ đàm đã diễn ra thành công với rất nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn của các đại biểu, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài Nguyên và Môi trường cũng đã tiếp thu, lắng nghe với tinh thần cầu thị cao nhất. Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tin rằng, với những quyết tâm và nỗ lực, cũng như sự chung tay của tất cả các cấp, Bộ, Ban, Ngành, Doanh nghiệp, các Nhà khoa học… sẽ sớm tháo gỡ được các rào cản để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoa Trần – Văn phòng Hiệp hội NNHC VN