TÌM HIỂU VỀ CƠ CHẾ TIẾP CẬN NGUỒN GEN VÀ CHIA SẺ LỢI ÍCH
Tiếp cận nguồn gen và Chia sẻ lợi ích (Access and Benefit Sharing – ABS) nhắm vào cách tiếp cận nguồn gen và cách các lợi ích có được từ sử dụng nguồn gen đó được chia sẻ.
Nghị định thư Nagoya về Tiếp cận nguồn gen và Chia sẻ công bằng lợi ích là một thỏa thuận quốc tế nhằm hướng đến việc chia sẻ công bằng các lợi ích có được từ khai thác nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Nghị định thư có hiệu lực từ ngày 12 tháng 10 năm 2014 và đã được hơn 70 quốc gia thông qua.
Tiếp cận nguồn gen và Chia sẻ lợi ích (Access and Benefit Sharing – ABS) nhắm vào cách tiếp cận nguồn gen và cách các lợi ích có được từ sử dụng nguồn gen đó được chia sẻ. Cụ thể là chia sẻ giữa người hoặc quốc gia sử dụng nguồn gen với người hoặc quốc gia sở hữu nguồn gen.
Nguồn gen bao gồm tất cả các sinh vật (thực vật, động vật, vi sinh vật) mang vật liệu di truyền có thể trở thành hữu ích cho con người. Các nguồn gen này có thể được khai thác từ tự nhiên, di thực hoặc nuôi trồng, trong điều kiện bảo tồn nguyên vị (in situ) hoặc bảo tồn chuyển vị (ex situ – trong các vườn bách thảo, ngân hàng gen, ngân hàng giống hoặc các bộ sưu tập canh trường vi sinh vật).
Trong một quốc gia nguồn gen thường được sở hữu bởi chính phủ hoặc các cá thể dân sự, có thể bao gồm chủ sở hữu đất hoặc các cộng đồng. Chủ sở hữu nguồn gen được quyền cho phép tiếp cận và được chia sẻ lợi ích có được từ sử dụng nguồn gen. Điều khoản về ABS trong Công ước quốc tế về Đa dạng Sinh học hướng đến đảm bảo các nguồn gen được khai thác bền vững và lợi ích có được từ sử dụng nguồn gen được chia sẻ công bằng. Trong một số trường hợp, các giá trị tri thức truyền thống gắn liền với nguồn gen cũng cần phải được bảo tồn và chia sẻ công bằng. Chia sẻ lợi ích có thể diễn ra dưới hình thức chia sẻ lợi nhuận nếu nguồn gen được thương mại hóa thành các sản phẩm hàng hóa, hoặc dưới hình thức phi lợi nhuận như giúp đỡ nâng cao kiến thức và kĩ năng.
Cả bên sử dụng lẫn bên sở hữu nguồn gen đều cần hiểu rõ các khung pháp lý cho quy chế này như Công ước Đa dạng Sinh học hay Hướng dẫn Bonn, và các chính phủ cũng cần dựa vào đó để xây dựng khung pháp lý tại mỗi quốc gia, đảm bảo thỏa thuận quốc tế này được thực thi và tuân thủ.
Nguồn: Convention on Biological Diversity, https://www.cbd.int/abs/ retrieved on June 13, 2016