THUẬT NGỮ “CHỨNG NHẬN” CHỈ DÀNH RIÊNG CHO CHỨNG NHẬN CỦA BÊN THỨ BA?

THUẬT NGỮ "CHỨNG NHẬN" CHỈ DÀNH RIÊNG CHO CHỨNG NHẬN CỦA BÊN THỨ BA

      PGS có phải là hệ thống chứng nhận?

    Trước hết cần khẳng định, “Hữu cơ” là một hệ thống sản xuất, và PGS thực tế là một hệ thống đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. PGS được viết thành tài liệu hướng dẫn vận dụng một cách rõ ràng, kết quả được tuyên bố sẽ là một văn bản được ban hành như một giấy chứng nhận. Trong PGS các bước thực hiện để đưa ra tuyên bố chứng nhận là nhất quán, được hệ thống hóa và đáng tin cậy bởi có sự tham gia của cộng đồng vào tiến trình chứng nhận. Vì thế PGS rõ ràng hoạt động như một hệ thống chứng nhận với đầy đủ yếu tố cấu thành và phương pháp vận hành của một hệ thống chứng nhận như bên thứ 3. Tuy nhiên, cách tiếp cận trong PGS đối với chứng nhận là không phân cấp, có sự tham gia trực tiếp của người sản xuất vào tiến trình đánh giá và sử dụng ít thủ tục giấy tờ hơn so với hệ thống chứng nhận của bên thứ ba. Bởi vậy, đã khiến không ít người nhầm lẫn. Sự khác biệt này không có nghĩa PGS không phải là hệ thống đảm bảo tính toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm, hay còn được gọi là hệ thống chứng nhận.

     PGS được phát triển để phù hợp với nông dân và điều quan trọng là nó đặt sự kiểm soát của xã hội vào trong tiến trình đảm bảo nhằm ngăn ngừa việc không tuân thủ, trong khi chương trình chứng nhận của bên thứ 3 thường yêu cầu người nông dân phải đầu tư đầy đủ nếu họ muốn có được chứng nhận. Chính vì thế, PGS đòi hỏi một cách tiếp cận nhiều chiều, không thứ cấp. Ngoài ra, các PGS nhận thấy rằng, nông dân, đặc biệt là với các hộ nông dân nhỏ, hầu hết các vấn đề không tuân thủ thực sự là do thiếu kiến ​​thức. Do đó, chia sẻ kiến ​​thức và nâng cao năng lực cho nông dân là không thể thiếu trong các PGS. Sự tham gia sâu rộng của nông dân và người tiêu dùng địa phương vào quá trình chứng nhận được coi là hoàn toàn phù hợp và cần thiết để cung cấp một sự đảm bảo khách quan, liên tục và đáng tin cậy cho các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ. Một số yêu cầu khác khi nông dân tham gia PGS gồm các cơ chế để đảm bảo rằng nông dân hiểu các tiêu chuẩn hữu cơ mà họ cam kết làm theo, yêu cầu tham gia vào các cuộc đánh giá chéo giữa các nhóm nông dân, thậm chí bao gồm việc bắt buộc tham gia các buổi đào tạo vào những thời điểm quan trọng của mùa vụ.

Hoạt động thanh tra trên đồng ruộng theo tiêu chuẩn PGS

Hoạt động kiểm tra sổ sách ghi chép theo tiêu chuẩn PGS

     PGS có cạnh tranh với chứng nhận của bên thứ ba không?

    Thưc tế cho thấy Hệ thống chứng nhận PGS và chứng nhận bên thứ ba bổ sung và tăng cường cho nhau. Các PGS tập trung vào hộ nông dân nhỏ và phù hợp với thị trường trực tiếp. Chính vì thế, PGS đưa nhiều nông dân đơn lẻ sản xuất tự phát, vốn không quan tâm đến chứng nhận của bên thứ ba vào trong một hệ thống sản xuất hữu cơ có cam kết. Bằng cách này, PGS cung cấp cho nhiều người tiêu dùng hơn cơ hội tiếp cận các sản phẩm hữu cơ đảm bảo chất lượng với giá cả phải chăng mà trước đây không có sẵn. Điều này giúp Phong trào hữu cơ nói chung phát triển. Khi nông dân trong PGS liên kết tốt hơn, các điều kiện cho sản xuất hàng hóa sẵn sàng, chính PGS sẽ làm tăng nhu cầu về chứng nhận của bên thứ ba để sản phẩm của nông dân PGS nhắm tới thị trường xuất khẩu hoặc chế biến xa hơn.

      PGS tạo cơ sở tuyệt vời cho các chương trình ICS vì nhiều yếu tố cơ bản của một ICS (hệ thống kiểm soát nội bộ) đã có sẵn trong PGS. Do đó, chứng nhận PGS và bên thứ ba phục vụ các thị trường khác nhau được các nhà khai thác khác nhau vận dụng mà không cần bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa hai hệ thống này.

     Bởi vậy, nếu cố gắng công nhận PGS là hệ thống hợp lệ để đảm bảo chất lượng và cấp chứng nhận hữu cơ, hoặc cố gắng áp đặt chứng nhận của bên thứ ba là hệ thống duy nhất để đảm bảo chất lượng hữu cơ của sản phẩm, sẽ dẫn đến xung đột không cần thiết, làm tổn hại đến phong trào hữu cơ và hạn chế khả năng tiếp cận sản phẩm hữu cơ của người tiêu dùng có thu nhập thấp tại các thị trường đang phát triển.

Vùng canh tác và tập huấn cộng đồng của Vinasamex (ảnh từ website của Vinasamex)

     Ví dụ của Vinasamex: Doanh nghiệp xuất khẩu quế hồi Việt Nam sang thị trường Châu Âu

    Doanh nghiệp đồng thời vận dụng cả 2 phương pháp PGS và ICS. Vinasamex vận dụng PGS để nâng cao nhận thức và kiến thức cho người dân, sử dụng nội lực của cộng đồng cùng sự tham gia của người dân trong giám sát chất lượng. Thiết lập ICS dựa trên nền tảng của mạng lưới PGS để đánh giá và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam