THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT NÓI GÌ VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CĂN CƠ ĐỂ NGÀNH NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ PHÁT TRIỂN

THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT NÓI GÌ VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CĂN CƠ ĐỂ NGÀNH NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ PHÁT TRIỂN?

Những tiền đề để phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thưa Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông đánh giá như thế nào về những kết quả của ngành nông nghiệp hữu cơ sau khi có những chính sách cụ thể định hướng như: Nghị định 109 năm 2018 của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ và Đề án 885 của Thủ tướng Chính phủ?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Ở Việt Nam, nông nghiệp là ngành có lợi thế so sánh bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng. Nhiều loại nông sản có sản lượng hàng đầu thế giới, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác hợp lý như: Thủy sản, rau quả, dược liệu…

Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp; yêu cầu tăng dân số trong những thập niên tới với tỉ lệ ngày càng tăng cao sẽ làm biến đổi sâu sắc môi trường sinh thái và nền nông nghiệp trên toàn cầu.

Chính vì vậy, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu vì đó là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm nông sản tốt, an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ người sản xuất trong quá trình lao động sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

Trước những vấn đề đó, ngày 29/8/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ (Nghị định 109). Theo đó đã quy định 5 vấn đề quan trọng để quản lý và chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể là sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ; kiểm tra, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hữu cơ; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ngày 23/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 (Đề án 885) với các mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể như: Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp vào năm 2025 và 2,5 – 3% vào năm 2030.

Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 – 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước vào năm 2025 và 2 – 3% vào năm 2030. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5 – 1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản vào năm 2025 và 1,5 – 3% vào năm 2030.

Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 – 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ vào năm 2025 và gấp 1,5 – 1,8 lần vào năm 2030.

Sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn vào năm 2020 và tăng dần trong các năm tiếp theo, tăng tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2025; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%.

Sau khi có Nghị định 109 và Đề án 885, chúng ta đã có văn bản quản lý Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ, các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ và các định hướng, nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là tiền đề cơ bản để nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển bền vững. 

Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai phát triển nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai phát triển nông nghiệp hữu cơ

Cần đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thưa Thứ trưởng, cho đến nay những người tham gia thực hiện nông nghiệp hữu cơ vẫn mơ hồ và lo lắng về đầu ra của sản phẩm này. Xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân tại sao? Theo Thứ trưởng cần chính sách gì để họ thay đổi tư duy, làm sao cho họ thấy đây là xu thế tất yếu để tham gia?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Thực tế xa xưa chúng ta sản xuất trồng trọt, chăn nuôi không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp (phân hóa học, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh…) cơ bản là sản xuất hữu cơ.

Tuy nhiên, thời gian dài vừa qua do cả yếu tố khách quan và chủ quan, sản xuất trồng trọt của ta chuyển sang sản xuất “phi hữu cơ” có sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật và phòng trừ dịch bệnh, gây tồn dư trong đất làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sản phẩm; gây hại cho sức khỏe người sản xuất cũng như người sử dụng sản phẩm…

Do vậy, hiện nay chúng ta muốn quay trở lại sản xuất hữu cơ để có sản phẩm sạch, an toàn và hiệu quả thì mọi người tham gia thực hiện nông nghiệp hữu cơ (người quản lý, người sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…) cũng phải có nhận thức đúng và đồng bộ.

Để khắc phục về nhận thức nêu trên, tại Đề án 885, Bộ NN-PTNT đã tham mưu “Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực” là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời, trong kế hoạch hành động triển khai Đề án 885, Bộ đã ban hành Chương trình bồi dưỡng về nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất và người làm công tác tập huấn (tại Quyết định số 1510/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/4/2022).

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, lo lắng về tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hiện hữu và do các nguyên nhân cơ bản sau: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao; người tiêu dùng trong nước chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm sản xuất phi hữu cơ; sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ 3 chứng nhận và được dán tem nhãn theo quy định.

Tuy nhiên, ở trong nước, chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ, chi phí chứng nhận còn cao, khó thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ hoặc các hộ dân.

Để người tham gia yên tâm sản xuất, đề nghị các địa phương thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Nghị định 109, đồng thời phối hợp các Bộ, ngành triển khai nhanh các nhiệm vụ trong tâm tại Đề án 885 như: Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ…

Phát triển trồng trọt theo hướng hữu cơ tại Gia Lai

Nhìn tổng quát, ngành nông nghiệp hữu cơ của nước ta hiện nay còn khiêm tốn, kết quả chưa cao. Bộ sẽ có giải pháp gì để tháo gỡ, phát triển toàn diện nông nghiệp hữu cơ?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Như trên đã nêu, sau khi có Nghị định 109, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân có đầu tư mạnh vào phát triển nông nghiệp hữu cơ và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Diện tích canh tác hữu cơ tăng 4,4 lần so với năm 2016; khoảng 18 nghìn nông dân tham gia sản xuất hữu cơ; có 97 doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ và 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới…

Để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển toàn diện và bền vững trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 tại Quyết định số 885/QĐ-TTg Ngày 23/6/2020 (Đề án 885).

Đồng thời, ngày 28/12/2020, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Quyết định số 5317/QĐ-BNN-CBTTNS về Kế hoạch hành động của Bộ triển khai Đề án 885 nhằm: Cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Đề án để các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu Đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Giao trách nhiệm chủ trì cho các đơn vị thuộc Bộ chủ động triển khai các nội dung liên quan chức năng nhiệm vụ, chuyên ngành quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT; đồng thời giao đầu mối của Bộ trong việc phối hợp với các bộ, ngành địa phương đối với nhiệm vụ liên quan của Đề án; tăng cường hiệu quả phối hợp các đơn vị trong Bộ và địa phương trong việc huy động các nguồn lực xã hội trên địa bàn (doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã) xây dựng các mô hình điểm triển khai Đề án theo danh mục đã phê duyệt và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Nếu những biện pháp trên được thực hiện, bộ mặt và kết quả của ngành nông nghiệp hữu cơ sẽ thay đổi như thế nào?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Nếu những biện pháp trên được thực hiện, tôi tin tưởng các chỉ tiêu mục tiên của Đề án 885 sẽ trở thành hiện thực.

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đồng hành rất tích cực với ngành nông nghiệp

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt nam ra đời với mục đích đưa ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, xin Thứ trưởng cho biết đóng góp của Hiệp hội trong 10 năm qua cho ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam là đơn vị đã đồng hành rất tích cực với ngành nông nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Hiệp hội là đơn vị đầu mối tập hợp những cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam.

Tính đến năm 2022, đã có tới hơn 1.000 nông dân, hơn 200 doanh nghiệp, hơn 150 cá nhân là hội viên Hiệp hội. Vai trò nổi bật nhất của Hiệp hội là sự tích cực tham gia cùng ngành nông nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách và hỗ trợ đào tạo, tập huấn, kết nối tiêu thụ cho nhóm nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nông nghiệp.

Một số đóng góp đáng ghi nhận của Hiệp hội như: Phối hợp cùng với Bộ NN-PTNT tham mưu với Chính Phủ ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam như Nghị định 109, Đề án 885; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn TCVN 11041:2017/2018;

Tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn tích cực tại các hội thảo khoa học, hội nghị, diễn đàn của ngành về nông nghiệp hữu cơ; tham gia góp ý xây dựng, tư vấn cho nhiều địa phương trong quá trình xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của địa phương như: Tuyên Quang, Hòa Bình, Đắk Lắk, Bình Dương, Lâm Đồng…

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam có vai trò quan trọng trong kết nối phong trào hữu cơ Việt Nam với phong trào hữu cơ khu vực và quốc tế và Hiệp hội đã trở thành thành viên của Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM – Organics International) năm 2013 và IFOAM Asia năm 2016; xây dựng và vận hành các dự án trong nước và quốc tế hỗ trợ nông dân sản xuất hữu cơ quy mô nhỏ;

Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm hữu cơ tại thị trường quốc tế (Hiệp hội đã tổ chức thành công gian hàng hữu cơ Việt Nam tại Hội chợ thương mại Hữu cơ lớn nhất thế giới Biofach – Đức trong 05 năm liên tiếp);

Kết nối hơn 30 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ với công ty thu mua, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của nông dân khắp cả nước, đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường; tổ chức nhiều khoá đào tạo tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đã đào tạo hơn 4000 nông dân và hơn 30 trang trại trên khắp cả nước.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Trà Diễm – Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

* Bài viết nằm trong chuỗi sự kiện nhằm hưởng ứng và hướng đến Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

 dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2022.