Xuất hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 1 năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều đến hành vi tiêu dùng thực phẩm, trong đó nổi bật nhất là mua sắm online, tinh thần tiết kiệm và tập trung vào thực phẩm lành mạnh.
Trước đại dịch, việc mua sắm thực phẩm online đã có tăng nhưng vẫn rất chậm so với các ngành hàng khác do đặc tính không đồng nhất, không thể kiểm chứng chất lượng thông qua hình ảnh và dễ biến chất theo thời gian của hàng này.
Mặc dù vậy, do covid hạn chế nghiêm ngặt việc giao thương đã bắt buộc một bộ phận lớn người tiêu dùng phải mua sắm thực phẩm online: chấp nhận mua hàng chỉ qua hình ảnh và quảng cáo của người bán mà không được tận mắt tận tay đánh giá. Tuy nhiên, sự uy tín của một số người bán hàng đã dần dần thuyết phục người tiêu dùng về sự tiện lợi của phương thức mua hàng online này. Do phải hoàn toàn trông cậy vào người bán, nên khách hàng đặt kỳ vọng rất cao vào sự trung thực và tín nhiệm từ quảng cáo cho đến khâu chăm sóc sau bán hàng.
Một điểm nữa cần lưu ý với hình thức bán hàng online là phải chấp nhận rủi ro đổi trả và than phiền cao, do cảm quan của mọi người là rất khác nhau. Chị Trần Mơ quản lý cửa hàng Bác Tôm ở Hoàng Văn Thái cho biết, quả nho Ba Mọi được quảng cáo có vị ngọt rôn rốt và được khá nhiều khách ưa thích, nhưng vẫn có nhiều lần bị khách nhận hàng bức xúc vì 2 lý do trái ngược nhau: một vị khách trẻ cho rằng vị quả nhỏ quá chua không thể nuốt nổi; một vị khách khác ăn kiêng đồ ngọt do sợ mập lại than phiền là quả nho quá ngọt! Kết quả khảo sát của một tổ chức độc lập tại Việt Nam cho thấy, 82% người tiêu dùng được khảo sát có mua online trong thời gian cách ly xã hội; trong đó 98% cho biết, sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai.
Tiết kiệm trở thành một thói quen mới xuất hiện trong thói quen tiêu dùng của người dân. Khi thu nhập giảm, người dân bắt đầu siết chặt chi tiêu, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Khảo sát tại hầu hết các cửa hàng thực phẩm sạch cho thấy họ bị mất một số khách hàng sau đại dịch, đồng thời đơn trung bình của khách hiện hữu cũng giảm đi so với trước đây. Dự kiến việc thu nhập giảm làm tăng tính tiết kiệm của người dân sẽ còn kéo dài sang năm 2023 khi nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi.
Một ảnh hưởng tích cực không mong muốn sau covid là sự chú trọng đến thực phẩm lành mạnh của mọi người. Tỉ trọng tiêu dùng các loại rau quả lành mạnh tăng lên rõ rệt, đặc biệt là các loại rau có dược tính tốt mà lâu nay vẫn được giới y học khuyến cáo như tỏi, gừng, và sả. Chị Hoàng Loan, một người bán hàng online sản phẩm ổi Phúc Lợi nổi tiếng ngon nhất Hà Nội cho biết, chị sẽ tìm hiểu thêm về đông y để đa dạng các loại rau thuốc trồng xen dưới tán ổi để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Theo ông Trần Mạnh Chiến – CEO chuỗi cửa hàng Bác Tôm