THỊ TRƯỜNG RAU HỮU CƠ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ COVID

THỊ TRƯỜNG RAU HỮU CƠ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ COVID

     Rau hữu cơ là dòng sản phẩm nhạy cảm nhất khi nhắc đến hữu cơ. Thị trường sản phẩm hữu cơ của Việt Nam cũng nổi sóng bắt nguồn từ rau. Sau hơn 10 năm phát triển thị trường chủ chốt vẫn ở 3 thành phố lớn và với 3 kênh hàng chính. Trong đó, kênh rau hữu cơ PGS vốn đi tiên phong nay đang lùi lại nhường bước cho kênh rau hữu cơ tư nhân chứng nhận quốc tế.

     Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, và Đà Nẵng vẫn là nơi tiêu thụ hầu hết rau hữu cơ. Trong đó Tp Hồ Chí Minh đang vượt lên dẫn đầu sau một thời gian chậm chân so với Hà Nội. Còn Đà Nẵng mới phát triển từ 2015 rất mạnh mẽ nhưng Covid đã gây sự sụt giảm đột ngột do kinh tế thành phố miền Trung này phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch.

Rau hữu cơ PGS 

rau hữu cơ CP Green trên kệ siêu thị

Rau hữu cơ CP Green trên kệ siêu thị

     Có 3 kênh hàng chính rất khác biệt nhau đang song hành trên thị trường như sau:

  1. Rau hữu cơ PGS ở Hà Nội với sản lượng cỡ 700 tấn/năm và giá bán lẻ trung bình 32.000 – 37.000đ/kg. Kênh này chủ yếu do trực tiếp các nhóm nông dân sản xuất phân phối vào hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị. Đây là kênh hàng phát triển sớm nhất trên thị trường rau hữu cơ Việt Nam từ 2008 với sự hộ trợ của dự án Nông nghiệp Hữu cơ của ADDA (Đan Mạch). Sản phẩm được giám sát bởi các mạng lưới hữu cơ PGS, trong đó chủ yếu là PGS Việt Nam (thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam).
  2. Rau hữu cơ TCVN hoặc tiêu chuẩn khác (riêng hoặc USDA, EU, JAS) được các doanh nghiệp đầu tư phân phối vào hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị với giá bán lẻ trung bình trên 70.000đ/kg, và sản lượng ước đạt trên 2000 tấn/năm riêng tại thị trường Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Điển hình trong kênh này là các doanh nghiệp như Rau Đại Ngàn ở Hà Nội đạt cả 3 chứng nhận khó tính là USDA, EU và JAS; và đặc biệt là một loạt doanh nghiệp mới nổi ở phía Nam như Kata, Rau Cười Việt Nhật, Vinamit Organic, Organic Food king, Everyday Organic và CP Green. Dự tính kênh này ở Tp Hồ Chí Minh quy mô gần gấp đôi Hà Nội.
  3. Rau hữu cơ TCVN hoặc tự công nhận do các doanh nghiệp nhỏ tự sản xuất và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng với giá trung bình 40.000 – 50.000đ/kg. Sản lượng kênh này khó ước đoán hơn, dự tính khoảng trên 400 tấn/năm và tiềm năng tăng trưởng nhanh. Mặc dù các tác nhân kênh này nhỏ nhưng xu hướng đang ngày càng đông. Họ chủ yếu bán hàng bằng các công cụ mạng xã hội như facebook, zalo. Các đối tượng này cũng rất linh động bán hàng cho cả các cửa hàng thực phẩm sạch nhỏ lẻ. 

     Từ góc độ đầu cuối, kênh 1 và 2 đang là lựa chọn của đa số người tiêu dùng thông qua các mạng lưới tiêu thụ điển hình từ lâu như Bác Tôm, Tâm Đạt, và Sói Biển. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng online đối với rau đang vững bước đi lên khi các tác nhân ở kênh 3 rất linh động và sáng tạo trong khâu marketing đã thuyết phục được lòng tin khách hàng. Lợi thế của kênh 3 là có thể sử dụng được các vật liệu bao gói thân thiện với môi trường như lá và giấy vì rau được chuyển trực tiếp đến tay khách hàng mà không trải qua nhiều sự va đập như khi trưng bày tại cửa hàng và siêu thị. Do vậy, các hệ thống như bán lẻ cũng đang tăng cường quảng bá dịch vụ ship tận nhà cho khách hàng để bắt kịp xu thế mới.

Theo Ông Trần Mạnh Chiến – CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm.