Đội ngũ kỹ sư thực địa giám sát tận vườn được coi là một đặc sản của Bác Tôm, bởi nơi đây tập hợp được những kỹ sư thâm niên và say mê nghề như kỹ sư trưởng thực địa Dương Khôi, kỹ sư Trần Quang, hay chị Nguyễn Dân. Các kỹ sư thực địa thường xuyên bôn ba khắp các trang trại để đảm bảo quy trình sản xuất được tuân thủ. Điển hình như ông Dương Khôi với trên 40 năm kinh nghiệm vẫn đi trung bình 200km/ngày trên chiếc xe Dream 20 năm tuổi. Nhưng chúng ta sẽ dành bài sau để nói về kỹ sư trưởng thực địa nhiệt huyết Dương Khôi, bài này chúng ta sẽ nói về cách kỹ sư Trần Quang lựa chọn được một sản vật vô cùng gây nghiện cho khách hàng hiện nay.
Sầu riêng ngày càng được nhiều người ưa thích nhưng cũng mang theo nhiều hoài nghi lạm dụng hóa chất trong canh tác và cả trong khâu xử lý sau thu hoạch. Đặc biệt việc sử dụng thuốc nhúng chín có phần thiếu minh bạch gây hoang mang cho người tiêu dùng. Vậy chúng ta hãy cùng anh Trần Xuân Quang, kỹ sư thực địa về trái cây Trung Nam bộ của Bác Tôm đi chọn sầu làm sao để vừa có sản phẩm sạch và ngon ngọt đậm đà nhé.
Bỏ qua các điều kiện về đất đai và tiểu khí hậu thì yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng là giống. Truyền thống nhất là sầu Chín Hóa với vị thơm ngọt đậm đà ngon nhất trong tất cả các loại hiện này. Đây cũng là giống có sức chống chịu sâu bệnh và điều kiện khắc nghiệt của thời tiết tốt nhất. Đáng tiếc là do năng suất thấp và khó vận chuyển đi xa nên giống này ngày càng bị thu hẹp diện tích, hiện chỉ còn rất ít chủ yếu cung cấp cho các khách ruột cực kỳ trung thành. Hai giống sầu riêng được trồng ngày càng phổ biết hơn là Ri6 và giống Thái (còn gọi là Mongthong hay Dona). Hai giống này được trồng từ miền Tây sang miền Đông và lên khắp Tây Nguyên. Ngoài ba vùng miền ở trên thì vùng Nam Trung Bộ có trồng tập trung diện tích khá lớn ở huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa.
Ks Trần Quang và Nguyễn Hậu, con trai ông Sáu Ri – tác giả giống sầu Ri6
Ks Trần Quang trực tiếp leo lên cây sầu riêng ở Vĩnh Long để kiểm tra
Chăm bón là yếu tố quan trọng kế tiếp tác động đến chất lượng quả sầu riêng. Việc sử dụng tỉ trọng phân bón hữu cơ cao cùng với tưới tiêu đầy đủ là những điều kiện tiên quyết để giữ cho sầu khỏi rụng trong quá trình chín, sau đó cho những múi sầu ngon. Phòng trừ sâu bệnh cũng đòi hỏi rất nhiều công phu mà nhiều nhà vườn giữ bí kíp cho riêng mình. Hiện tại Bác Tôm đang thử nghiệm chế phẩm Anisaf đã được PGS Việt Nam chấp nhận để hướng tới sản xuất sầu riêng hữu cơ. Dự kiến 3 năm nữa sẽ cho kết quả.
Cuối cùng nhưng cực kỳ quan trọng là khâu xử lý sau thu hoạch. Đây là khâu bị nhiều người tiêu dùng nghi ngờ nhất. Thực tế là các nhà buôn thường mua nguyên vườn và hái đồng loạt các quả còn xanh để vận chuyển đi xa. Vì vậy sầu xanh thường được nhúng “thuốc” để đảm bảo chín đều và đồng loạt sau quãng đường xa xôi. Với Bác Tôm thì chỉ nhận sầu rụng hoặc cắt sau khi gõ kiểm tra từng quả để đảm bảo quả chín tự nhiên sau 2 – 5 ngày, tùy loại. Sầu Chín Hóa thì phải hái trước chín tối đa 2 ngày, nếu không thì quả sẽ bị sượng. Đó cũng là một lý do quan trọng dẫn đến tính kém hiệu quả việc đưa Chín Hóa đi xa.
Ngoài kênh hàng nguyên quả thì kênh sầu múi cấp đông đang ngày càng được khách sành ăn ưa thích nhất. Các vườn được yêu cầu chọn quả sầu chín rụng, tách múi tại chỗ, chọn lọc múi ngon, đóng khay và dùng công nghệ cấp đông nhanh IQF để giữ chất lượng múi sầu tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, người ăn sầu sành nhất sẽ chọn sầu rụng cấp đông. Lý tưởng hơn là giống Chín Hóa canh tác hữu cơ các bạn khách thân mến ạ.
Trần Mạnh Chiến – CEO chuỗi cửa hàng Bác Tôm.