TẬP HUẤN CANH TÁC HỮU CƠ ĐỐI VỚI BÀ CON DÂN TỘC THIỂU SỐ

TẬP HUẤN CANH TÁC HỮU CƠ ĐỐI VỚI BÀ CON DÂN TỘC THIỂU SỐ

Việc đào tạo và tập huấn canh tác hữu cơ đối với người dân có thói quen canh tác thông thường đã khó, đặc biệt là đối với người dân tộc miền núi thì việc này khó khăn hơn rất nhiều lần do có sự khác biệt về ngôn ngữ, thói quen, tư duy canh tác lâu đời cho tới khoảng cách địa lý xa giữa các vùng nguyên liệu khiến cho việc đi lại, tập huấn hay thanh kiểm tra giám sát trở nên khó khăn hơn.

Vinasamex là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm hữu cơ với mong muốn gia tăng giá trị và tạo lập uy tín cho nông sản Việt trên trường quốc tế bằng cách đưa các sản phẩm gia vị như quế, hồi,… được sản xuất bởi người dân tộc thiểu số tại miền núi phía Bắc Việt Nam đến tận tay khách hàng.

Chiến lược kinh doanh của Vinasamex tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Úc… với phân khúc khách hàng cao cấp, yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào rất khắt khe. Chính vì vậy, người nông dân trong chuỗi giá trị của Vinasamex không chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của canh tác hữu cơ về yêu cầu vật tư đầu vào đạt chuẩn hữu cơ, chăm sóc đúng quy trình, ghi chép đầy đủ các thông tin truy xuất nguồn gốc… mà họ còn phải tuân thủ các quy định của Bộ Tiêu chuẩn Thương mại Đa dạng Sinh học có Đạo đức UEBT/RA và Bộ tiêu chuẩn thương mại công bằng Fair For Life về các quy định bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ quyền của người bản địa, quyền của người lao động cũng như minh bạch về sử dụng đất.

Đánh giá nhà nông dân trồng quế hữu cơ và Fair For Life tại Yên Bái

Để đạt được các chứng nhận, tiêu chuẩn trên, người nông dân phải cam kết và tuân thủ theo rất nhiều các nguyên tắc. Tuy nhiên, với thói quen canh tác xưa cũ, ngại không ghi chép và tư duy không dám đầu tư lâu dài làm cho người nông dân hay vi phạm lỗi trong các đợt đánh giá chứng nhận. Ví dụ: không ghi nhật ký canh tác, không theo dõi công của người lao động thuê ngoài, không nhớ được diện tích đất nhà mình bao nhiêu so với sổ nên hay trả lời sai thông tin…

Đặc biệt, người dân không dám đầu tư phân bón hữu cơ cho canh tác (do đắt hơn và khó tìm kiếm) nên họ không chịu bón phân cung cấp dinh dưỡng cho đất, hoặc sử dụng các loại phân bón rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn làm cho việc kiểm soát chất lượng đúng theo tiêu chuẩn hữu cơ rất khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Các lô hàng mua về công ty đều phải gửi mẫu đi test kiểm tra trước, đạt tiêu chuẩn mới gửi mẫu cho khách hàng test lại để không mất thời gian gửi mẫu nhiều và mất uy tín.

Để kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu cũng như hướng dẫn người dân canh tác đúng theo tiêu chuẩn, Công ty phải tập huấn nhắc lại nhiều lần, thanh tra nội bộ thường xuyên trước khi thanh tra độc lập vào kiểm tra chính thức. Trong tháng 9 vừa qua, chúng tôi vừa hoàn thành việc tiếp chuyên gia đánh giá bổ sung tiêu chuẩn Fair For Life cho vùng canh tác quế hữu cơ tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Tỉnh Yên bái và vùng canh tác hồi hữu cơ tại xã Đề Thám, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Quá trình đánh giá tiêu chuẩn, chuyên gia đã kiểm toán các yêu cầu cơ bản cho người lao động của doanh nghiệp, lao động thuê ngoài và nông dân về: thời gian làm việc, hợp đồng, chế độ phúc lợi, lương thưởng, các điều kiện vệ sinh và an toàn lao động, các nghiên cứu về mức sống và cam kết đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động, nông dân trong chuỗi giá trị. Giá mua và giá thưởng có thỏa đáng, đảm bảo người nông dân canh tác phải được trả ít nhất mức giá tối thiểu sản xuất và thưởng chênh lệch 10% so với giá thị trường. Ngoài ra, chuyên gia cũng đánh giá khắt khe các tuân thủ của người nông dân về cam kết minh bạch quyền sử dụng đất, cam kết bảo vệ môi trường, thu gom, quản lý rác thải, nước thải đúng quy định.

Kết thúc đợt đánh giá, chuyên gia có những nhận xét tích cực việc tuân thủ của Vinasamex về đảm bảo các quyền lợi cho người lao động và người dân trong chuỗi giá trị, các tác động tích cực của công ty tới cộng đồng địa phương, sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp trong 3 năm qua (năm 2019 chuyên gia về đánh giá trực tiếp cơ sở, năm 2020, 2021 do tình hình covid 19 chuyên gia không về đánh giá trực tiếp được, phải đánh giá online).

Canh tác quế hồi hiện nay thu lại giá trị cao hơn so với nông sản khác, đặc biệt các sản phẩm được xuất khẩu trực tiếp đi các thị trường lớn với các chứng nhận cao cấp nên người dân có thu nhập ổn định hơn, cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn. Tuy nhiên việc tuân thủ quy định về vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa khỏi đồi gò vẫn còn nhiều hộ chưa tuân thủ và đội ngũ Vinasamex vẫn phải tập huấn, hướng dẫn người dân và hỗ trợ tốt nhất các điều kiện để người dân có thể thu gom rác thải đúng quy định, đảm bảo vệ sinh cho môi trường sống, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bản địa.

Đánh giá nhà nông dân trồng quế hữu cơ và Fair For Life tại Lạng Sơn

Đánh giá đồi hồi tại Lạng Sơn

Nguyễn Thị Phương Liên – Công ty Quế hồi Việt Nam – Vinasamex