THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CHO THỦY SẢN HỮU CƠ VIỆT NAM

THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CHO THỦY SẢN HỮU CƠ VIỆT NAM

    Trong các dòng hàng thực phẩm hữu cơ, rau chiếm nhận được sự quan tâm cao nhất, trong khi thủy sản đang chiếm tỉ lệ khiêm tốn nhất với chủ lực hầu như chỉ có tôm. Ở số đầu tiên chúng ta đã khái quát thị trường rau hữu cơ, còn số này chúng ta sẽ cùng nhau tìm kiếm cơ hội cho thủy sản hữu cơ. Và trong bài này chúng ta chỉ nói đến tôm hữu cơ bởi đây là sản phẩm chủ đạo trong thủy sản hữu cơ.

     Có một điều thú vị là mặc dù được sự quan tâm cao nhất nhưng rau hữu cơ lại do các nhà kinh doanh nhỏ làm, còn thủy sản hữu cơ ít được khách nội địa quan tâm nhất thì lại được cả các công ty lớn và nhà kinh doanh nhỏ lẻ đầu tư. Lý do dễ thấy là rau chỉ được tiêu thụ nội địa, còn thủy sản hữu cơ hầu hết xuất khẩu. Về phía nông dân làm tôm thì cũng tương tự nông dân rau: nhỏ lẻ. Ngay cả các công ty lớn cũng chỉ tự đầu tư tôm công nghiệp, còn tôm hữu cơ thì hợp tác với các hộ nhỏ lẻ.

     Lấy trường hợp Minh Phú làm ví dụ, mặc dù đã làm thủy sản lâu năm, nhưng mãi tới 2013 Minh Phú mới làm tôm hữu cơ, và chỉ vài năm gần đây mới bắt đầu gia nhập thị trường nội địa. Một điều khá quan tâm nữa là tôm hữu cơ chủ yếu vào thị trường miền Bắc.

     Về chuỗi cung ứng của các công ty lớn thường có 4 tác nhân để kết nối nông dân với khách lẻ; trong khi chuỗi tôm sinh thái từ các nhà kinh doanh nhỏ như Khang Tường hay Đoàn Vươn thì được rút ngắn đi 2 tác nhân. Trong đó, chị Doãn Thoa và anh Đoàn Vươn thường liên hệ trực tiếp với nông dân và các cửa hàng thực phẩm sạch mà không thông qua tác nhân nào khác. Tuy chuỗi dài có bất lợi trong việc xuất toàn bộ tôm đông lạnh – vốn không hợp với khách truyền thống thích tôm nhảy – nhưng lại có lợi thể sử dụng công nghệ như mạ băng và cấp đông nhanh để duy trì chất lượng lâu hơn cho sản phẩm.

     Qua phỏng vấn một số tác nhân ngành hàng có thể ước đoán sản lượng tôm hữu cơ, cả có chứng nhận và chưa có chứng nhận đạt cỡ 300 tấn/năm, tương đương 100 tỉ VND/năm. Cần nói rõ là, cùng một khay tôm hữu cơ nếu dùng chứng nhận EU thì giá tăng thêm 5%, còn không thì được bán dưới nhãn hiệu tôm sinh thái hoặc tôm tự nhiên. Qua nhiều năm tiếp xúc với khách hàng tôi cũng cảm nhận là đối với tôm, chứng nhận không quá quan trọng, nhưng là “sinh thái” hay “tự nhiên”.

Ảnh: Tôm sú nguyên con của Minh Phú

Ảnh: Tôm sú hấp của Minh Phú

Ảnh: Tôm sú tẩm bột chiên của Minh Phú

     Thêm một tảng băng chìm có thể làm chậm sự phát triển của thủy sản hữu cơ nói chung và tôm hữu cơ nói riêng là thị hiếu của khách hàng ngày càng tăng đối với sản phẩm chế biến sẵn. Vì sao vậy? Sản phẩm đã chế biến sẵn thì điều khách quan tâm nhất là vị ngon và giá cả chứ không phải nguyên liệu nữa, kể cả với các khách hàng hữu cơ khó tính. Có lẽ vì vậy mà các đơn vị kinh doanh đang ngày càng tăng cường tỉ lệ sản phẩm chế biến, nhưng hầu hết nguyên liệu cho dòng hàng này đều là từ sản xuất công nghiệp để đáp ứng khẩu vị và giá cả mà khách hàng mong đợi. Chúng ta có thể thấy rõ kệ hàng chế biến chiếm ưu thế trong các tủ đông lạnh của siêu thị.

     Như vậy có thể thấy ngành thủy sản hữu cơ đang gặp nhiều thách thức hơn là cơ hội, đặc biệt là với hữu cơ có chứng nhận. Tuy vậy với tăng trưởng của thị trường tôm hữu cơ trong những năm gần đây vẫn đang đạt khá cao trên 30%/năm do đang trống nguồn cung, chúng tôi cho rằng các nhà cung cấp cần nhanh chóng lấp đầy khoảng trống này để không trở thành “trâu chậm uống nước đục”. Bên cạnh đó, cơ hội của các nhà kinh doanh cũng khá tiềm năng trong việc nâng cao chất lượng tôm bằng các biện pháp bảo quản tiên tiến như mạ băng và cấp đông nhanh để giữ chất lượng lâu nhất có thể, qua đó thay đổi được định kiến của khách hàng về hàng tươi sống như tôm. Như vậy chắc chắn tôm hữu cơ nói riêng và thủy sản hữu cơ nói chung sẽ phát triển bền vững.

Trần Mạnh Chiến – CEO chuỗi cửa hàng Bác Tôm