MÔ HÌNH CHĂN NUÔI ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH VÀ 4 NGUYÊN TẮC CỦA NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

MÔ HÌNH CHĂN NUÔI ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH VÀ 4 NGUYÊN TẮC CỦA NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

     Xuất phát từ thực trạng chăn nuôi hiện nay sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát dẫn đến kháng sinh tồn dư trong sản phẩm, các trang trại vẫn sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện, gây tồn dư kháng sinh trong thịt ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, tạo ra các dòng vi sinh vật kháng kháng sinh, gây khó khăn cho việc phòng trị bệnh cho vật nuôi và bệnh truyền nhiễm ở người; Chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước, gây mùi hôi, thối ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và con người, gây hiệu ứng nhà kính, phát tán mầm bệnh cho vật nuôi và cho con người; Trồng trọt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học quá nhiều làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, ô nhiễm môi trường, làm cho đất canh tác bị chai cứng, thời gian khai thác của cây trồng ngắn, năng xuất, chất lượng chưa cao,…

     Để ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi lợn nó riêng phát triển bền vững, tạo được thực phẩm hữu cơ, an toàn cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao và dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ (Bio-Tcorts), thuộc Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đã ứng dụng đồng bộ các chế phẩm sinh học sử dụng vi sinh hữu ích bản địa để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh học, áp dụng các nguyên tắc của chăn nuôi hữu cơ. Đảm bảo nguyên tắc về sức khỏe vật nuôi không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm cho con người; nguyên tắc về sinh thái, bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm đất, nước, không khí do chất thải và nước thải chăn nuôi được ngấm vào đệm lót và được vi sinh hữu ích bản địa xử lý chuyển thành phân bón hữu cơ cây trồng dễ hấp thu nhất; Nguyên tắc công bằng khi tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có tại trang trại như: khoai, sắn, bã sắn, bã dong riềng, thân cây chuối, rau củ quả, bã dứa, vỏ dứa, vỏ măng… ủ để sử dụng cho chăn nuôi và vẫn đảm bảo nguyên tắc cẩn trọng, tránh lãng phí, bảo vệ môi trường, sức khỏe và sự phát triển của thế hệ hiện tại và tương lai. Nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế.

     Tại mô hình chăn nuôi nhà ông Hà Đức Hoàng thôn Chanh, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang được triển khai từ năm 2020. Khi bắt đầu triển khai với 20 lợn đen bản địa và 10 lợn lai (Đực PiDu x nái Landrace). Hai loại lợn trên được nuôi trên dãy chuồng 2 mái có diện tích 40m2 chi phí làm chuồng hết 10 triệu, 1 bãi chăn thả diện tích 600m2. Bảng hạch toán hiệu quả kinh tế thực tế:

Lợn con khỏe mạnh trong khu chăn nuôi

Khu nuôi lợn có đệm lót sinh học, môi trường sạch sẽ và không có mùi hôi giống như chăn nuôi bình thường

Sơ chế thân chuối trước khi ủ với men vi sinh để làm thức ăn cho lợn

Thân chuối cùng với cám ngô, gạo ủ với men vi sinh đã đủ thời gian để thành thức ăn cho lợn

     Theo ông Hoàng trước đây gia đình ông chăn nuôi lợn không sử dụng đệm lót sinh học nên mất rất nhiều công dọn chuồng, không những vậy mùi chất thải trong quá trình chăn nuôi ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người chăn nuôi và môi trường xung quanh, giá bán thấp và phụ thuộc vào thương lái. Thức ăn chăn nuôi hoàn toàn mua của các công ty chế biến sẵn. Từ khi thực hiện nuôi lợn sử dụng chế phẩm sinh học, gia đình đã được tiếp cận với phương thức chăn nuôi mới, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, mùi hôi chuồng trại không còn, đặc biệt không tốn công dọn chuồng, lợn ăn ngủ tốt, không dịch bệnh, thức ăn có thể tự phối trộn nên giá thành rẻ, ngoài ra còn tận dụng được nguồn thức ăn thô xanh tại địa phương như thân cây chuối, rau, củ, quả, cỏ, … cho chăn nuôi. Giá bán lợn hơi cao và nuôi đến đâu có khách đặt hàng đến đó.

     Sau 1 năm triển khai mô hình chăn nuôi lợn với chế phẩm sinh học do Trung tâm Bio-TCORTS chuyển giao gia đình ông Hoàng và những hộ xung quanh nhận thấy lợi ích rõ rệt mang lại: chi phí làm chuồng rẻ, đàn lợn không dịch bệnh, không dùng thuốc kháng sinh, không dùng nước rửa chuồng, không mùi hôi chất thải. Tiết kiệm điện, nước, nhân công lao động. Chất lượng thịt lợn ngon có mùi thơm thịt, bì giòn, nạc mềm, vị ngon ngọt, được người tiêu dùng ưa thích. Tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao đưa sang trồng trọt. Đặc biệt là hiệu quả kinh tế tăng cao và bền vững. Chính vì vậy đến nay gia đình mở rộng quy mô với 500 lợn thịt, 15 nái. Tổng diện tích chuồng nuôi 600m2, 2000m2 bãi chăn thả. Rất nhiều đoàn đến thăm quan học tập và mua con giống, xin chuyển giao quy trình chăn nuôi, Ông Hoàng và cộng sự đang có kế hoạch thành lập Hợp tác xã chăn nuôi lợn sinh học.

Mai Thị Lan Hương – Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao và dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ (Bio-Tcorts)