
HAPPY VEGI – CON ĐƯỜNG SỐ HÓA NÔNG NGHIỆP ĐẦY THỬ THÁCH
HAPPY VEGI – CON ĐƯỜNG SỐ HÓA NÔNG NGHIỆP ĐẦY THỬ THÁCH
Năm 2021, công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Hương Đất chính thức trở thành hội viên của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, với niềm đam mê sản xuất hữu cơ và mong muốn tựu chung dưới mái nhà hữu cơ trên toàn quốc. Hương Đất hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và quản lý sản xuất, sản phẩm chủ đạo là rau củ quả hữu cơ ôn đới và nhiệt đới, với thương hiệu HAPPY VEGI, đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2:2017.
Sau hơn 8 năm gia nhập thị trường, với nhiều thăng trầm, Happy Vegi đã thiết lập các gian hàng tại 30 siêu thị thuộc những hệ thống lớn như Big C, Emart, Winmart, Aeon, Citimart, Coopxtra và 10 cửa hàng thực phẩm sạch tại Thành phố Hồ và Đà Nẵng.

Hình ảnh sản phẩm HAPPY VEGI tại siêu thị Topsmarket Thảo Điền, q.2, TP.HCM

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số được xác định là một trụ cột thực hiện phát triển nhanh và bền vững, và nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế đó. Số hoá trong ngành nông nghiệp luôn là một thách thức. Nhưng nó có rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, trang trại trong việc quản trị, đánh giá, lập kế hoạch trồng và bán hàng, không chỉ là việc minh bạch thông tin.
Khi các giấy chứng nhận hữu cơ không đủ để đem lại niềm tin cho người tiêu dùng
Một sự thật là ngày nay khi các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ được áp dụng, số lượng doanh nghiệp sản xuất ngày càng tăng lên. Điều này vô hình chung đem lại lợi ích cho người tiêu dùng khi lượng nông sản chất lượng cao dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy nhiên cũng đem lại những thách thức cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lựa chọn sản phẩm nào thực sự phù hợp, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, duy trì niềm tin trong sử dụng lâu dài là những câu hỏi thường xuyên xuất hiện khi người tiêu dùng lựa chọn. Đối với doanh nghiệp, khi đối thủ cạnh tranh càng nhiều, đòi hỏi những bứt phá mới để vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Ứng dụng chuyển đổi số ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, không chỉ giải quyết bài toán quản trị doanh nghiệp, lấy niềm tin từ người tiêu dùng, mà còn đem lại nhiều lời ích khác như: giảm thiểu công sức lao động, tăng cường năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đây là xu hướng bắt buộc cần thực hiện từng bước để chuẩn hóa quá trình sản xuất hữu cơ.
“Câu hỏi đặt ra đầu tiên của chúng tôi là khi ai cũng có chứng nhận hữu cơ thì làm sao để khách hàng có thể tìm ra và tin tưởng thương hiệu HAPPY VEGI? Số hóa từ bước nào, xuất phát từ đâu? Chúng tôi nhận thức được rằng người tiêu dùng cần có thông tin nguồn gốc, cần quan sát được và giám sát quá trình sản xuất từ khâu gieo hạt đến thu hoạch, vận chuyển đến chuỗi cung ứng và khách hàng. Từng bó rau khách hàng mua đều phải rõ ràng và đảm bảo, và người dân phải được biết điều đó.” Chị Diệp chia sẻ.
Chúng tôi cần một chương trình không chỉ ghi lại số liệu sản xuất, mà quan trọng hơn, đó phải là một chương trình giúp chúng tôi lên kế hoạch sản xuất và kiểm soát, vận hành kế hoạch đó đảm bảo chất lượng tốt nhất. Như vậy mới có thể duy trì chất lượng và mở rộng mô hình sản xuất.

Hình ảnh rau hữu cơ được trồng tại nông trại của Happy Vegi
Là thương hiệu đi đầu trong chuyển đổi số trong sản xuất hữu cơ ứng dụng chuyển đổi số. HAPPY VEGI đã đưa ra bài toán trên từ năm 2017. Đến năm 2020, công ty đã nâng cấp phiên bản phần mềm từ việc chỉ ghi chép những gì trong quá khứ sang xây dựng kế hoạch sản xuất cho tương lai theo nhu cầu của phòng kinh doanh. Việc chuyển đổi này đòi hỏi phải xây dựng quy trình chăm sóc cho hơn 30 loại rau và chuyển lên phần mềm và đào tạo từng công nhân trong việc báo cáo công việc và nhận công việc trên điện thoại thông minh.
Khó khăn lớn nhất là sản xuất hàng chục loại nông sản khác nhau, mỗi loại lại phù hợp với một loại thổ nhưỡng riêng, khí hậu riêng, vụ sản xuất, thời gian sinh trưởng. Mọi thông số đều phải thống nhất, đáng giá trên phần mềm. Quá trình phân tích dữ liệu diễn ra thường xuyên giúp đưa ra 1 kế hoạch phù hợp từng tháng, từng quý. Đào tạo nông dân chuyển đổi số cũng là 1 bài toán cần lưu ý để nâng cao trình độ sản xuất. Các yêu tố môi trường, phục hồi đất canh tác sau từng vụ cũng là vấn đề quan trọng quyết định thành công của vụ sau. Đó là một dữ liệu khổng lồ mà nếu chỉ vào sức người không thể hoàn thành trong 1 thời gian ngắn.
Thành công không đến dễ dàng nhưng xứng đáng
Với phần mềm mới công ty đã có thể phát triển và kiểm soát sản xuất cho những vườn ở xa như Kon Tum, Dak Nông. Từ đó công ty đã có thể nâng cao sản lượng mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng, đến nay sản lượng công ty đã tăng 4 lần so với trước khi áp dụng phần mềm sản xuất. Tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ TQC đã chấp nhận các báo cáo trên phần mềm của HAPPY VEGI là báo cáo để kiểm soát, đánh giá trong việc cấp và duy trì chứng nhận hữu cơ. Đây là một bước tiến lớn vì không phải thao tác nào trong sản xuất cũng có thể số hoá.

Logistic là bài toán tiếp theo chúng tôi gặp phải. Để đến với kệ siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, trung bình phải 24 – 30 tiếng từ lúc cắt rau tại vườn từ các khu vực Đắk Nông, Kon Tum. Đây là một con số lớn, nhất là đối với các sản phẩm nông sản không sử dụng chất bảo quản như HAPPY VEGI. Một lần nữa, các chuyển đổi số trong việc lên đơn và vận tải lại giúp chúng tôi giảm thiểu thời gian xuống dưới 20 tiếng từ các vườn tại Đắk Nông, Phúc Yên, Kon Tum… đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất có thể đến tay người tiêu dùng. Đến nay, thương hiệu chúng tôi đã có mặt tại tất cả các hệ thống lớn tại khu vực Thành phố như Winmart, Tops Market, E-mart, … các đại siêu thị như BigC, AEON,… đem lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Chuyển đổi số cần sự minh bạch và tuân thủ của người đứng đầu tổ chức từ đó hình thành nguyên tắc làm việc tuân thủ của cả một tập thể. “Chúng tôi đã rút ra bài học này sau thất bại trong hợp tác với một đối tác ở Miền bắc và trong quá trình triển khai dự án số hoá cho một công ty trồng rau ở Mộc châu. Triển khai các ứng dụng số hoá sẽ không thành công nếu chúng ta muốn giấu giếm hoặc cố ý làm sai vì bất cứ lý do gì.
Đầu tư vào con người
Con người là thành công của doanh nghiệp. Nâng cao trình độ của người lao động và hoạt động đào tạo là điều bắt buộc để đem lại những bước tiến vững bền. Đối với hệ thống nông nghiệp, trình độ nhận thức khác nhau đòi hỏi doanh nghiệp cần có hệ thống phù hợp với các chính sách, quy trình và nhận thức của từng khu vực.
Bước tiến tiếp theo của chúng tôi là nâng cao trình độ của người lao động, hệ thống đánh giá tự động của chúng tôi áp dụng với tất cả các nhân viên, kỹ sư và nông dân. Mục tiêu của phần mềm là chuẩn hoá các kỹ năng làm việc và giúp công nhân chủ động rèn luyện và thuần thục các kỹ năng cần thiết cho công việc. Thông qua phần mềm chúng tôi cũng định hướng những hành vi ứng xử mà công ty mong muốn. Ứng dụng cho họ biết tuần này họ sẽ được đánh giá kỹ năng gì, tiêu chuẩn cần đạt là gì và họ chủ động rèn luyện trước buổi đánh giá.
Chúng tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn tới tổ chức GREAT của chính phủ Úc đã hỗ trợ chúng tôi trong việc thí điểm ứng dụng phần mềm tới một số mô hình nông nghiệp trong năm 2021. Những kinh nghiệm trong khi triển khai đã giúp chúng tôi đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế canh tác, trình độ nhận thưc và thói quen của người nông dân.”
Chia sẻ của chị Ngọc Diệp – Đồng sáng lập công ty TNHH SX TM&DV Hương Đất
Related Posts:
- NHỮNG THÁCH THỨC XUẤT - NHẬP KHẨU GIỮA CHÂU ÂU VÀ HOA KỲ CHO…
- NAM DƯỢC – CON ĐƯỜNG DƯỢC LIỆU SẠCH CHUẨN HÓA
- CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ…
- BÁO CÁO CHỈ RA SỰ LỚN MẠNH VÀ THÁCH THỨC CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN…
- THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CHO THỦY SẢN HỮU CƠ VIỆT NAM
- XUẤT KHẨU HỮU CƠ TỪ UKRAINA: CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG VÀ NHỮNG…