
Giới thiệu chung về các chứng nhận
TIÊU CHUẨN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS)
Theo Viện nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ (FiBL), diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp hữu cơ (NNHC) trên thế giới năm 2016 là 57,8 triệu ha. Đã có 178 nước sản xuất NNHC với tổng giá trị thương mại của thực phẩm hữu cơ đạt 90 tỷ đôla Mỹ. Ở Việt Nam, tổng diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 là khoảng 119 nghìn ha với diện tích đất canh tác hữu cơ là khoảng 53 nghìn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ khoảng 58 nghìn ha, diện tích thu hái tự nhiên khoảng 7 nghìn ha.
Tiêu chuẩn quốc tế
Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) không có tiêu chuẩn về NNHC. Tuy nhiên, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm (CODEX) có 01 hướng dẫn: CAC/GL 32-1999 Guidelines for the Production, Processing, Labelling and Marketing of Organically Produced Foods. Hướng dẫn này có thể truy cập tại đây (http://www.fao.org/docs/eims/upload/230124/cxg_032e.pdf). Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ – IFOAM ban hành tiêu chuẩn riêng về NNHC: IFOAM norms for organic production and processing, Version 2017. Phiên bản này không thay đổi nội dung so với phiên bản năm 2014 mà IFOAM đã ban hành (truy cập tại đây: https://www.ifoam.bio/sites/default/files/ifoam_norms_july_2014_t.pdf). Tiêu chuẩn/quy định khu vực Tiêu chuẩn hữu cơ Châu Á (AROS – Asia Regional Organic Stardand, tham khảo tại đây: http://www.fao.org/docrep/015/an765e/an765e00.pdf) được ban hành năm 2012 trong khuân khổ Dự án GOMA với sự điều hành và phối hợp của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) và Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc (UNCTAD). AROS là tiêu chuẩn cơ bản về NNHC để các nước và tổ chức trong khu vực đánh giá tương đương và xây dựng tiêu chuẩn mới. Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của ASEAN (ASEAN standard for organic
agriculture, tải về tại đây: http://www.vietgap.gov.vn/Upload/ASEAN%20STANDARD%20FOR%20ORGANIC%20AGRICULTURE%20(ASOA).pdf). Tiêu chuẩn hữu cơ ASEAN được xây dựng năm 2013 và là tiêu chuẩn để các nước trong khu vực tham khảo, hài hòa tiêu chuẩn quốc gia. Tiêu chuẩn EU: Ngày 30/5/2018 Nghị viện Châu Âu đã ban hành quy định mới về sản xuất và gắn nhãn các sản phẩm hữu cơ (Regulation (EU) 2018/848). Quy định này thay thế cho Council Regulation (EC) No 834/2007 ban hành trước đây. Regulation (EU) 2018/848 có thể truy cập tại đây http://data.europa.eu/eli/reg/2018/848/oj. Tiêu chuẩn/quy định nước ngoài Hiện nay, khoảng 90 quốc gia trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy định về nông nghiệp hữu cơ. Tiêu biểu là các tiêu chuẩn sau đây:
– Hoa Kỳ: Chương trình quốc gia về hữu cơ (NOP – National Organic Program), thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) xây dựng và ban hành quy định về sản xuất, sơ chế, dán nhãn sản phẩm hữu cơ (https://www.ams.usda.gov/rules-regulations/organic).
– Canada: Quy định hữu cơ của Canada (COR – Canada Organic Regime) do Cơ quan Thanh tra thực phẩm quốc gia của Canada (CFIA) chịu trách nhiệm quản lý và giám sát chính. Chi tiết về tiêu chuẩn có thể tìm thấy tại đây: http://www.inspection.gc.ca/food/organic-products/certification-and-
verification/operating-manual/eng/1389199079075/1389199224543?chap=2
– Nhật Bản: hiện có 4 tiêu chuẩn (JAS): Organic Plants, Organic Processed Foods, Organic livestock products và Organic Feeds. Các bộ tiêu chuẩn của Nhật Bản được ban hành và quản lý bởi Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản. Chi tiết truy cập tại đây: http://www.maff.go.jp/e/policies/standard/jas/specific/criteria_o.html
– Trung Quốc: hiện có bộ tiêu chuẩn “Organic Products” (GB/T 19630) gồm 4 phần: Part 1: Production; Part 2: Processing; Part 3: Labeling and Marketing và Part 4: Management System.
Tiêu chuẩn trong nước
Ban điều hành PGS Việt Nam (Hệ thống đảm bảo cùng tham gia) thuộc Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam ban hành tiêu chuẩn hữu cơ PGS (http://vietnamorganic.vn/danh-sach-tin/272/tieu-chuan-cu%CC%89a-Pgs.html). Đến năm 2018 đã có 6 PGS trên toàn quốc, bao gồm: PGS Việt Nam (lớn nhất với 4 liên nhóm: Lương Sơn, Thanh Xuân, Trác Văn, Hiền Ninh), PGS Bến Tre, PGS Hội An, PGS Tân Lạc, PGS Tuyên Quang, PGS Cao Bằng… với khoảng hơn 1.200 nông dân sản xuất nhỏ.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN) về NNHC. Ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Quyết định số 3883/QĐ- BKHCN công bố các tiêu chuẩn quốc gia:
TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,
TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ,
TCVN 11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Quyết định số 3879/QĐ-BKHCN công bố TCVN 12134:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận. Vì lý do bản quyền quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2007, chúng tôi không đăng tải các tiêu chuẩn tại đây. Quý vị quan tâm mời liên hệ với Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam để tìm mua bản gốc tiêu chuẩn.
VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS)
Nghị định về nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có văn bản quản lý NNHC ở cấp Nghị định của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ NNHC phát triển theo yêu cầu của thị trường. Nghị định gồm có 7 chương và 20 điều, quy định về sản xuất, chứng nhận, công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra, thử nghiệm chất lượng, chính sách khuyến khích phát triển NNHC. Nghị định có hiệu lực từ 15/10/2018. Nội dung Nghị định có thể tham khảo tại đây http://vbpl.snntuyenquang.gov.vn/Ct1287_lv28_nongnghiephuuco. Để triển khai Nghị định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan được giao chủ trì quản lý và triển khai nghị định) đang tiến hành xây dưng thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 109/2018/NĐ-CP. Chúng tôi sẽ cập nhật tới bạn đọc nội dung văn bản này trong thời gian tới.