DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO NÔNG DÂN QUY MÔ NHỎ THÔNG QUA VIỆC THỐNG NHẤT CÁC PGS HỮU CƠ Ở VIỆT NAM” ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯỢC KHỞI ĐỘNG VÀO NGÀY 16/04/2022

DỰ ÁN "TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO NÔNG DÂN QUY MÔ NHỎ THÔNG QUA VIỆC THỐNG NHẤT MẠNG LƯỚI PGS HỮU CƠ Ở VIỆT NAM" ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯỢC KHỞI ĐỘNG VÀO NGÀY 16/04/2022

     Sáng ngày 16/04/2022, tại Hà Nội, Hội thảo Khởi động dự án “Tăng cường năng lực cho nông dân quy mô nhỏ thông qua việc thống nhất mạng lưới PGS hữu cơ tại Việt Nam” – ESUP do Chủ tịch Hiệp Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) Hà Phúc Mịch chủ trì đã diễn ra tốt đẹp.

     Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) là một hệ thống chứng nhận được Liên đoàn các phong trào Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) khởi xướng từ năm 2004, phát triển và thúc đẩy vận dụng trên toàn cầu nhằm giúp nông dân sản xuất nhỏ nâng cao kiến thức sản xuất hữu cơ và tiếp cận sản phẩm tới thị trường địa phương. Cho đến nay, trên thế giới đã có 77 quốc gia đang áp dụng với 235 PGS được hình thành.

     Ở Việt Nam, PGS được vận dụng từ năm 2008 trong dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở miền Bắc Việt Nam” của Tổ chức ADDA Đan Mạch phối hợp thực hiện với Hội Nông dân Việt nam. Khi đó nhà nước chưa có chính sách về nông nghiệp hữu cơ.

     Sau hơn 10 năm được thực hành tại Việt Nam, PGS đã chứng minh được những lợi ích thực tiễn mang lại cho cộng đồng. PGS đã được nhà nước đưa vào nghị định nông nghiệp hữu cơ 109/2018/NĐ-CP, khuyến khích nông dân tham gia PGS. Từ chính sách khuyến khích này, hiện có nhiều thêm các PGS hình thành ở các địa phương từ các dự án phát triển của các NGO cần được đánh giá năng lực để tiếp tục hỗ trợ và củng cố đảm bảo các PGS hoạt động đúng với nguyên tắc của IFOAM dưới sự hướng dẫn của Hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA), nơi đang thực thi nhiệm vụ góp phần thúc đẩy NNHC nước nhà.

Các đại biểu tham dự Hội thảo và các sản phẩm chính của các PGS

     Đó cũng chính là lý do ra đời của một dự án vừa được VOAA – ADDA khởi động vào ngày 16/4/2022: “Tăng cường năng lực cho nông dân sản xuất nhỏ qua việc thống nhất mạng lưới PGS hữu cơ ở Việt Nam”. Dự án hy vọng thống nhất thí điểm 5 PGS (PGS Việt Nam, PGS Hòa Bình, PGS Tuyên Quang, PGS Hội An, PGS Huế) ở 6 tỉnh và sẽ kết thúc vào cuối năm 2024.

     Trong hội nghị ngày 16/04, các đại biểu cũng thống nhất 100% bầu Hội đồng PGS Quốc gia gồm 7 thành viên cùng phối hợp thực hiện dự án, trong đó có 2 thành viên là cán bộ dự án từ Hiệp hội và 5 thành viên khác là các trưởng ban điều phối của 5 PGS.

    Dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 6000 hộ nông dân và các thành viên của các PGS tham gia dự án. Đồng thời các hoạt động cụ thể ước tính sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng tiêu dùng hơn, khoảng 1 triệu người.

     Các hoạt động chính của dự án:

  • Về PGS quốc gia
  • Triển khai dự án đối với các bên liên quan.
  • Xây dựng, duy trì hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu PGS quốc gia.
  • Xây dựng quy chế và tài liệu hướng dẫn.
  • Đào tạo TOT về tiêu chuẩn và hệ thống PGS.
  • Về thị trường
  • Khảo sát thị trường và xây dựng kế hoạch tiếp cận dài hạn.
  • Nâng cao kiến thức sau thu hoạch và năng lực tiếp cận thị trường.
  • Tổ chức chiến dịch truyền thông quảng bá.
  • Về chính sách:
  • Tăng cường hợp tác đẩy mạnh tuyên truyền NNHC tại địa phương.
  • Tổ chức đối thoại, thúc đẩy chính sách cho NNHC tại địa phương.
  • Nghiên cứu khả thi, đề xuất cơ chế hỗ trợ PGS địa phương.

     Mục tiêu của dự án ESUP là sẽ nâng cao cơ hội sinh kế cho nông dân hữu cơ quy mô nhỏ qua việc cải tiến tổ chức, thống nhất trong mạng lưới PGS hữu cơ quốc gia, tạo cơ hội kinh doanh chia sẻ thị trường nhiều hơn cho các nông sản PGS, làm tăng năng lực vận động chính sách.

Văn phòng Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổng hợp.