ĐÀO TẠO TRONG NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

TRONG PHONG TRÀO NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, ĐÀO TẠO CÓ QUAN TRỌNG?

      Đã bao giờ các nhà sản xuất tự hỏi, vì sao mọi tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới đều yêu cầu thời gian chuyển đổi (conversion)?

       Vì cây trồng cần thời gian để thích nghi? vì đất cần thời gian để loại bỏ chất độc hóa học có hại?

       Thực ra quan trọng nhất đó là cần con người cần thời gian để chuyển đổi từ nhận thức đến hành vi trong sản xuất.

       Đã bao giờ người tiêu dùng tự hỏi vì sao lại tin vào chứng nhận bên thứ ba (Third Party), trong khi người được chứng nhận (operator) lại đang là người trả tiền cho bên thứ ba để thanh tra và cấp chứng nhận cho trang trại của họ. Và nếu xét về quan hệ kinh tế thì bên thứ ba là đơn vị kinh doanh dịch vụ chứng nhận, và họ cần càng nhiều nhà sản xuất được chứng nhận càng tốt, có như vậy lợi nhuận của họ mới nhiều nhất. Vậy tại sao chúng ta lại đặt niềm tin vào chứng nhận bên thứ ba có lẽ còn nhiều hơn cả Chứng nhận có sự tham gia (PGS- Participatory Guarantee System), chứng nhận PGS là đơn vị không lợi nhuận (Non-profit) và chứng nhận của bên thứ ba đơn thuần là công ty kinh doanh dịch vụ có điều kiện (Profit)

     Có rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ kinh tế, sản xuất mà hàng ngày chúng ta đang phải đối mặt và giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề chỉ thực sự được giải quyết khi chúng ta có đủ kiến thức và có hệ thống thông tin minh bạch, đầy đủ để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

     Vậy đào tạo nằm ở đâu trong chuỗi sản phẩm hữu cơ?

     Cùng nhìn lại chuỗi sản xuất hữu cơ gồm: sản xuất (Lựa chọn vùng sản xuất -> chọn giống -> trồng cây/thả con-> thu hoạch) -> chế biến-> vận chuyển-> thương mại (nhà bán buôn/nhà bán lẻ)->người tiêu dùng

      Nhìn một cách khách quan thì trong sản xuất hữu cơ đào tạo đã được chú trọng từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển đến thương mại, vì tiêu chuẩn hữu cơ bao trùm toàn bộ các mắt xích của chuỗi, và khi các bên tham gia vào chuỗi đều phải nắm được tiêu chuẩn hữu cơ (trải qua đào tạo).

     Cùng điểm lại IFOAM Asia đã lãnh đạo phong trào hữu cơ tại Châu Á qua hoạt động đào tạo thế nào?

    Đào tạo là hoạt động thường xuyên của IFOAM – Organics International, IFOAM Asia và tất cả các phong trào nông nghiệp hữu cơ của các quốc gia, châu lục trên thế giới. Tính từ năm 2015, IFOAM Asia (trụ sở tại Hàn Quốc) thông qua Tổ chức “Các chính quyền địa phương Châu Á -ALGOA” đã thực hiện các khóa đào tạo nền tảng lãnh đạo hữu cơ (OFC) cho hơn 200 các nhà lãnh đạo hữu cơ trẻ từ tất cả các nước Châu Á, Các khóa đào tạo giảng viên đều là các chuyên gia đào tạo của IFOAM – Organics International và IFOAM Asia, cùng với những người đi tiên phong trong khu vực và trên thế giới. Nội dung đào tạo không chỉ xoay quanh tiêu chuẩn hữu cơ, giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ, kế hoạch hành động cho mỗi quốc gia để mở rộng mạng lưới hữu cơ và thúc đẩy phong trào hữu cơ phát triển, mà còn là những câu chuyện chia sẻ đầy chân thực, truyền cảm hứng cho tất cả các học viên tham gia, với kỳ vọng sau khi quay trở lại đất nước sẽ sử dụng kiến thức, mạng lưới thông tin từ khóa đào tạo để xây dựng kế hoạch hành động cho chính tổ chức của mình trong nước. Việt Nam cũng đã được tham gia vào các khóa đào tạo này thông qua mạng lưới thông tin của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. (www.organicgovts.com)

      Từ những khóa đào tạo OFC, IFOAM Asia đã đẩy mạnh “Mạng lưới Thế hệ trẻ làm hữu cơ toàn cầu” (Young Organics Global Network – YOGN) và thành lập “Diễn đàn hữu cơ trẻ Đông Nam Á” (Asian Organic Youth Forum). Thành viên của Mạng lưới YOGN là những nhóm thanh niên trẻ, những nhà đổi mới sáng tạo, là thế hệ sẽ lãnh đạo thế giới trong tương lai và thể hiện sự ủng hộ toàn diện với 4 nguyên tắc của NNHC (Sức khỏe – Sinh thái – Công bằng – Cẩn trọng). Hiện nay YOGN đang được lãnh đạo bởi IFOAM Asia và được tài trợ hoàn toàn các chi phí đào tạo, sự kiện, phong trào của thanh niên… từ Quận Goesan, tỉnh Chungbuk, Hàn Quốc. (www.yoglobalnetwork.com)

Từ những khóa đào tạo truyền cảm hứng không xa những thay đổi của địa phương…

ALGOA với 4 kỳ Hội nghị thượng đỉnh, 3 kỳ Đại hội và 5 khóa đào tạo OFC tổ chức đều đặn hàng năm. Đến năm 2020 (sau 5 năm thành lập), ALGOA đứng đầu là Thị trưởng Goesan (Ông Lee Cha Young) và IN.N.E.R (International Network of Eco Regions) đã ký thỏa thuận hợp tác về cùng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển các huyện hữu cơ, Dưới sự ủng hộ của IFOAM – Organics International, IFOAM Asia, IFOAM EU và các đơn vị khác,  6/2/2020 “Liên minh các Huyện hữu cơ toàn cầu – GAOD” được thành lập  (https://gaod.online/)

     GAOD đã thu hút được sự chú ý và gia nhập của lãnh đạo chính quyền tỉnh, huyện tại nhiều quốc gia như Philipine, Ấn Độ, Kyrgyzstan, Hàn Quốc …

      Kết: Chúng ta đã điểm qua về các tiếp cận mới hơn về đào tạo trong nông nghiệp hữu cơ của IFOAM Asia và những sáng tạo trên con đường phát triển, tăng cường sự ảnh hưởng của phong trào nông nghiệp hữu cơ tại Châu Á, Nếu bạn cũng muốn là một phần của phong trào này, hãy tham gia thành viên của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam càng sớm càng tốt. Chúng ta sẽ cùng đồng hành tại Việt Nam và kết nối với các phong trào hữu cơ Châu Á, Khu Vực và Thế giới. Trên tất cả, chúng tôi luôn muốn chia sẻ thông tin tối đa và luôn mong muốn nghe những sáng tạo từ bạn.

Hữu cơ – Sự sống của nền nông nghiệp

Organic – The life Agriculture

Đặng Hường – Phó Chánh VP Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam