
CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ – NHỮNG BƯỚC ĐI CẨN TRỌNG VÀ BỀN VỮNG
CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ - NHỮNG BƯỚC ĐI CẨN TRỌNG VÀ BỀN VỮNG
Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở duyên hải miền trung, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 411 nghìn ha, bờ biển của tỉnh dài 120 km, sở hữu hệ thống di tích độc đáo và văn hoá ẩm thực đa dạng với đặc điểm về địa hình có cả ba vùng gồm: đồng bằng, trung du – miền núi và biển, đầm phá có điều kiện phù hợp để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.
Bản đồ hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại hội Đảng bộ Tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI đã đề ra phương hướng phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản; ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ trương phát triển nông nghiệp sạch phục vụ du lịch hay gắn nông nghiệp với phát triển du lịch được các cấp chính quyền quán triệt, được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường liên tục tăng cao. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vừa là xu hướng, vừa là giải pháp giúp bảo đảm chất lượng nông sản cũng như an toàn thực phẩm.
Trong thời gian qua Ngành nông nghiệp và PTNT đã và đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước khắc phục tình trạng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Tỉnh Thừa Thiên Huế đã định hình và từng bước đi vào ổn định đối với một số cây trồng chủ lực chính như lúa, rau màu các loại, cây ăn quả, ….
Ngành Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu các chính sách tích cực như Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết 30/2021/NQ-HĐND đã dành ngân sách hỗ trợ sau đầu tư từ 15-20 tỷ đồng/ năm giúp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Với những chính sách quan tâm hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn ngày càng phát triển góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân và gắn với việc bảo vệ môi trường.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT tham quan mô hình chăn nuôi ATSH quy mô nông hộ

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu thăm và làm việc tại Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F
Doanh nghiệp tham gia lan toả nông nghiệp hữu cơ
Từ năm 2016, Tập đoàn Quế Lâm đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực hữu cơ tại tỉnh: Hệ thống cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản hữu cơ; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Dự án Tổ hợp chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer) tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền; Vùng sản xuất lúa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với diện tích 70 ha tại Hợp tác xã nông nghiệp Phù Bài, Thị xã Hương Thuỷ; mô hình hộ chăn nuôi an toàn sinh học 10-30 lợn thịt…
Với những hoạt động mà Tập đoàn Quế Lâm đã thực hiện, đó chính là chất xúc tác, góp phần lan tỏa nông nghiệp hữu cơ tại Thừa Thiên Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết Biên bản hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để cùng có những động thái mạnh mẽ hơn thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn 2019-2021 và tiếp tục ký kết Biên bản giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở Biên bản ký kết này, Tập Đoàn Quế Lâm đã tiếp tục ký kết Biên bản hợp tác với 9 huyện, Thị xã và Thành phố Huế để phát triển thêm nhiều mô hình hữu cơ có liên kết doanh nghiệp ở cấp huyện, xã.
Câu chuyện tổ, nhóm nông dân PGS sản xuất nông sản hữu cơ
Mặt khác với sự hỗ trợ từ Dự án Thích ứng và chống chịu với Biến đổi khí hậu VIE/433 của Chính phủ Luxembourg (2019) đã hình thành nên các tổ, nhóm nông dân PGS sản xuất rau hữu cơ liên kết nông hộ tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền. Cụ thể: sản phẩm rau má Hữu cơ Quảng Thọ, rau hữu cơ Quảng Thành, Gà Quảng Phước; Lúa hữu cơ Phú Mỹ, rau hữu cơ Mỹ Lợi, Dầu lạc Mỹ Á, Lúa hữu cơ Lộc An với 14 nhóm/130 hộ tham gia; góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác từ vô cơ sang hữu cơ.
Đến nay, diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ hiện nay trên toàn tỉnh có 500 ha. Trong đó, có 330 ha lúa và rau; chăn nuôi hữu cơ gia súc (heo): 3.000 con/ năm và gia cầm: 1.000 con/ năm và 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.700 m2. Trong đó có 2 Chứng nhận hữu cơ do NHONHO cấp cho Tập đoàn Quế Lâm (20 ha) và HTX An Lỗ (21 ha).
Mô hình Tổ hợp tác sản xuất nông sản hữu cơ PGS sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại Thôn 3, xã Mỹ Lợi, Huyện Phú Lộc

Gian nan tìm cách Chứng nhận sản phẩm hữu cơ
Hiện nay để có Chứng nhận sản phẩm hữu cơ giúp người tiêu dùng nhận dạng, tìm kiếm sản phẩm hữu cơ phù hợp với nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho cá nhân và gia đình có 02 phương thức:
Một là, thuê các Tổ chức chứng nhận bên thứ 3 trong và ngoài nước đánh giá, chứng nhận với chi phí rất cao. Qua khảo sát, cần 10 triệu đồng/ha chi phí chứng nhận đối với các Tổ chức chứng nhận trong nước theo TCVN:11041- 2017. Vấn đề này là bất khả thi đối các mô hình hữu cơ quy mô nông hộ, tổ, nhóm vốn yếu thế; chỉ phù hợp với các Tập đoàn lớn cũng như doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Sản phẩm gạo hữu cơ của PGS Huế

Vườn rau hữu cơ của dự án VIE/433
Hai là, Chứng nhận hữu cơ theo Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (Participatory Guarantee System – PGS) là một cơ chế đảm bảo chất lượng với chi phí thấp, giúp bảo đảm chất lượng nông sản và có thể khôi phục lòng tin của người tiêu dùng. Theo Liên Đoàn các phong trào Nông Nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) năm 2008, PGS – “Participatory Guarantee System” là một hệ thống ở đó có sự tham gia của các bên liên quan vào đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương. Người sản xuất được xác nhận sự tuân thủ dựa vào sự tham gia tích cực của các bên liên quan bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng trong hệ thống. Chi phí Chứng nhận thấp, thậm chí không tốn chi phí phù hợp với quy mô sản xuất hữu cơ nông hộ, tổ nhóm.
Theo Điều 17, Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ: Khuyến khích nông dân, tổ chức cá nhân tham gia Hệ thống bảo đảm cùng tham gia PGS. Tuy nhiên vướng mắc theo Nghị định và các Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không có hướng dẫn cách thức tổ chức, xây dựng Hệ thống PGS cũng như phương thức chứng nhận PGS gây lúng túng cho việc hình thành PGS tại các địa phương.
Thực tế trên địa bàn tỉnh đã thành lập ra liên nhóm PGS tại 3 huyện Phú Lộc, Quảng Điền và Phú Vang từ Dự án VIE433. Tuy nhiên, những sản phẩm hữu cơ trên được bán theo giá nông sản thông thường do sản phẩm chưa được Chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Một số doanh nghiệp kinh doanh lại yêu cầu có Chứng nhận sản phẩm hữu cơ để tiêu thụ trên thị trường có hiệu quả hơn. Thách thức đặt ra là thành lập Ban điều phối PGS cấp tỉnh tại Thừa Thiên Huế để tập hợp các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ hợp tác và nông hộ ở địa phương có tâm huyết tham gia vào phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh và chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có tổ chức hội nông nghiệp hữu cơ được hình thành theo đúng quy định.

Cánh đồng lúa hữu cơ dự án VIE/433

Sản phẩm gạo và dầu lạc hữu cơ của PGS Huế

Vườn rau má hữu cơ PGS Huế tại Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
Những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Trước nhu cầu bức thiết của các hộ, tổ nhóm sản xuất hữu cơ và doanh nghiệp kinh doanh nông sản hữu cơ, ngành Nông nghiệp và PTNT từ 2021 đã tiến hành một số giải pháp cụ thể tháo gỡ như sau:
Một là, Phối hợp Trường Đại học Nông lâm Huế xây dựng Đề án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2026 và định hướng đến 2030. Việc liên kết với một Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nông nghiệp hàng đầu cả nước là Trường Đại học Nông lâm Huế là một lợi thế để giúp Tỉnh xây dựng một Đề án dài hạn, có chất lượng đáp ứng được mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ của tỉnh.
Hai là, Thành lập Ban Vận động thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế do 01 Đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm Trưởng ban. Giao Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản làm đầu mối chính, dự kiến đặt trụ sở Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh sau khi thành lập tại Văn phòng Chi cục. Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có ý kiến đồng ý cho phép thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế tại Quyết định số 839/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 (dự kiến tổ chức Đại hội cuối tháng 5/2022). Ban điều phối PGS Huế cấp tỉnh sau khi được hình thành và trực thuộc Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh và chịu trách nhiệm thẩm định, chứng nhận PGS các sản phẩm nông sản hữu cơ theo TCVN 11041-2017. Góp phần giải quyết vấn đề Chứng nhận hữu cơ ở quy mô nông hộ, tổ nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ lâu dài.
Ba là, Phối hợp chặt chẽ với Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam để tranh thủ nguồn lực; giúp đào tạo, tập huấn về kiến thức nông nghiệp hữu cơ; chia sẻ kinh nghiệm, chứng nhận PGS và kết nối doanh nghiệp tiêu thụ; xây dựng mô hình liên kết….
Bốn là, Tìm kiếm hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước, từ doanh nghiệp để có thêm nguồn lực phát triển và lan toả phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn rộng khắp.
Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ vừa là xu hướng, vừa là giải pháp để phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thế mạnh về du lịch, dịch vụ, cùng với những giải pháp cụ thể nêu trên, Ngành Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên Huế sẽ từng bước hỗ trợ Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc lan toả phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh một cách vững chắc; tập hợp các hộ dân, tổ nhóm, hợp tác xã để liên kết sản xuất tạo ra lượng hàng hoá lớn, chất lượng đồng đều, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ.
Theo ông Hồ Đăng Khoa – Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Huế
Related Posts:
- THÀNH LẬP HỘI NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - BƯỚC TIẾN MỚI CỦA NNHC…
- HỘI NGHỊ THÀNH LẬP BAN ĐIỀU PHỐI PGS TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
- BẢO TỒN, KHAI TÁC VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN GEN - Bài 2: HÀNH LANG…
- HỮU CƠ CÓ THỂ LÀ MỘT GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG MỤC TIÊU…
- THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT NÓI GÌ VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CĂN CƠ ĐỂ NGÀNH…
- TỈNH HÒA BÌNH VÀ NHỮNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO HOẠT ĐỘNG PHÁT…