CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC VỀ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG DO BỘ NN&PTNN BAN HÀNH

CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC VỀ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG DO BỘ NN&PTNN BAN HÀNH

     Triển khai thực hiện Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng và trình ban hành Chương trình tổng thể bồi dưỡng về nông nghiệp hữu cơ cho các đối tượng cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất và người làm công tác tập huấn TOT để làm căn cứ cho các đơn vị phục vụ xây dựng tài liệu và công tác tập huấn, bồi dưỡng.

     Mục tiêu chính là để các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương áp dụng/vận dụng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực cho cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất (bao gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội, hội, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ…) và người làm công tác tập huấn (TOT) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và không chồng chéo.

     Ngày 26/4/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-BNN-TCCB phê duyệt Chương trình bồi dưỡng về nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất và người làm công tác tập huấn (TOT). Trên cơ sở đó, các đơn vị có chức năng thuộc Bộ sẽ xây dựng, ban hành tài liệu bồi dưỡng và phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn thống nhất chung theo mục tiêu, phương pháp và nội dung tại Quyết định Bộ đã ban hành.

    Nhằm phổ biến rộng rãi về chương trình này, ngày 05/5/2022, Cục Chế biến và PTTTNS, đơn vị đầu mối của Bộ, đã có Công văn số 297/CBTTNS-TN gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương để phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý và người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.

A. THÔNG TIN CHUNG

1. Về đối tượng và mục tiêu:

     Do yêu cầu đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức của các đối tượng khác nhau nên mục tiêu cụ thể được xây dựng cho các đối tượng cũng khác nhau:

– Cán bộ quản lý các cấp chỉ cần hiểu được những kiến thức cơ bản về nông nghiệp hữu cơ, các cơ chế chính sách về nông nghiệp hữu cơ và vận dụng được các kiến thức này trong công việc hàng ngày;

– Người sản xuất, người làm công tác tập huấn (TOT) ngoài hiểu các kiến thức chung còn cần biết và vận dụng được các kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm cơ bản trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ vào mô hình sản xuất thực tế; Vận dụng được các kiến thức về các quy định, quản lý sản xuất, cách thức thương mại, chính sách hỗ trợ để thiết lập và vận hành thực tế mô hình tổ chức quản lý theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

2. Về thời gian:

– Thời gian của chương trình bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và TOT từ 3 – 5 ngày;

– Thời gian của các khóa bồi dưỡng cho người sản xuất từ 8 – 15 ngày, tùy đối tượng, lĩnh vực yêu cầu đào tạo.

3. Về khối lượng kiến thức:

     Kiến thức bồi dưỡng được chia thành các chuyên đề, gồm 2 phần chính sau:

– Tổ chức sản xuất gồm: Tổng quan về nông nghiệp hữu cơ; Cơ chế, chính sách; Tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ; Tổ chức thực hiện sản xuất và Thương mại, tiêu thụ sản phẩm

– Kỹ thuật sản xuất: chia theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào.

B. NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Bố cục chung của mỗi chuyên đề gồm:

– Các mục tiêu cần đạt được: về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với nội dung vừa học

– Các nội dung bồi dưỡng cụ thể.

2. Các nội dung cần bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý các cấp

     Chương trình gồm 05 chuyên đề giảng dạy, 01 bài thu hoạch cuối khóa, cụ thể như sau:

– Chuyên đề 1: Tổng quan nông nghiệp hữu cơ.

– Chuyên đề 2: Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

– Chuyên đề 3: Tiêu chuẩn, hệ thống quản lý và chứng nhận hữu cơ.

– Chuyên đề 4: Thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

– Chuyên đề 5: Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

3. Các nội dung cần bồi dưỡng đối với người sản xuất

     Chương trình gồm 2 phần Chuyên đề bắt buộc (6 chuyên đề ) và Chuyên đề tự chọn (theo lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản), 01 bài kiểm tra cuối khóa, cụ thể như sau:

*** CHUYÊN ĐỀ BẮT BUỘC

– Chuyên đề 1: Tổng quan nông nghiệp hữu cơ

– Chuyên đề 2: Đất, nước và quản lý đất, nước trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

– Chuyên đề 3: Quy định chung về thu hoạch, sơ chế, bao gói, bảo quản và vận chuyển sản phẩm hữu cơ

– Chuyên đề 4. Các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ và chính sách

– Chuyên đề 5. Tổ chức thực hiện sản xuất

– Chuyên đề 6. Thương mại hóa sản phẩm

*** CHUYÊN ĐỀ TỰ CHỌN

– Lĩnh vực trồng trọt: Chuyên đề 7: Phân bón và dinh dưỡng cây trồng; Chuyên đề 8: Quản lý sâu bệnh hại, luân canh, xen canh; Chuyên đề 9: Thuốc thảo mộc phòng trừ sâu bệnh, côn trùng gây hại; Chuyên đề 10. Ứng dụng sinh học trong nông nghiệp hữu cơ

– Lĩnh vực thuỷ sản: Chuyên đề 8. Nuôi thủy sản hữu cơ, Thưc hành nuôi thuỷ sản hữu cơ

– Lĩnh vực chăn nuôi: Chuyên đề 8. Chăn nuôi hữu cơ, Thực hành nuôi thuỷ sản hữu cơ

4. Các nội dung cần bồi dưỡng đối với TOT

     Chương trình gồm 05 chuyên đề giảng dạy, tham quan mô hình thực tế và 01 bài kiểm tra cuối khóa, cụ thể như sau:

– Chuyên đề 1. Tổng quan về nông nghiệp hữu cơ.

– Chuyên đề 2. Tiêu chuẩn, hệ thống quản lý và quy trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ

– Chuyên đề 3. Tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ

– Chuyên đề 4. Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

– Chuyên đề 5. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ

     Tham quan thực tế một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam

Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Chuyên viên Cục chế biến và phát triển thị trường thủy sản – Bộ NN&PTNT