
BIOTRADE VIỆT NAM
Sáng kiến Thương mại gắn với bảo tồn Đa dạng sinh học
Sáng kiến Thương mại gắn với bảo tồn Đa dạng sinh học được khởi xướng năm 1996 bởi Tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhằm hỗ trợ triển khai các mục tiêu của Công ước về Đa dạng sinh học.
Sáng kiến Thương mại gắn với bảo tồn Đa dạng sinh học được định nghĩa là “các hoạt động thu hái, sản xuất và kinh doanh buôn bán hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ đa dạng sinh học tự nhiên”, theo các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.
Thương mại gắn với bảo tồn Đa dạng sinh học tại Việt Nam
Trở về với tự nhiên đang là xu thế chung trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Việt Nam là Quốc gia có nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú với gần 4,000 loài cây có thể sử dụng làm thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm NHƯNG nguồn tài nguyên này đang ngày một cạn kiệt dẫn đến việc phải nhập khẩu phần lớn từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ.
Do vậy, khai thác bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học đang trở thành mối quan tâm không chỉ của các cơ quan chức năng mà của toàn xã hội.
Thực tế cho thấy, đối với các doanh nghiệp đang khai thác và sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, việc chuyển hướng sang khai thác bền vững sẽ dần trở nên tất yếu, đồng thời các doanh nghiệp tiên phong nếu biết cách truyền thông về những cam kết của mình với bảo tồn đa dạng sinh học sẽ tạo ra hiệu quả trong sự tạo khác biệt cho thương hiệu
Dự án BioTrade Việt Nam
Để hỗ trợ ngành dược liệu Việt Nam trong việc quản lý nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học hiệu quả và có các chính sách quản lý và khuyến khích hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững, Liên minh Châu Âu (EU) đã phê duyệt dự án “Nhân rộng các sáng kiến Thương mại gắn với bảo tồn Đa dạng sinh học trong lĩnh vực thuốc thảo dược tại Việt Nam” giai đoạn 2016 – 2020 theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn Thương mại gắn với bảo tồn Đa dạng Sinh học (BioTrade).
Đồng thời giúp Việt Nam trở thành quốc gia được quốc tế công nhận về cung cấp các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên cho các ngành công nghiệp thuốc thảo dược, thực phẩm và mỹ phẩm – được khai thác và chế biến theo tiêu chuẩn tự nguyện về Thương mại Sinh học có Đạo đức (EBT).
