CHI HỘI NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH LAI CHÂU TIÊN PHONG TRONG VIỆC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

CHI HỘI NNHC TỈNH LAI CHÂU TIÊN PHONG TRONG VIỆC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

     Sáng ngày 19/05/2022, Chi hội NNHC tỉnh Lai Châu đã có buổi làm việc trực tiếp với Hiệp hội NNHC VN, để thảo luận, tìm ra hướng đi nhanh nhất để phát triển Chi hội và phát triển NNHC tại địa bàn tỉnh.

     Tham dự buổi làm việc, có ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch HH NNHC VN, ông Trần Ngọc Thanh – Phó chủ tịch Hiệp hội, ông Trần Mạnh Chiến – CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm và bà Đặng Thị Hường – Phó chánh văn phòng Hiệp hội.

     Về phía đoàn tỉnh Lai Châu, có ông Mùa A Trừ – Chủ tịch HND tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Đức Thuận – Phó chủ tịch HND tỉnh Lai Châu, ông Đỗ Xuân Trường – Giám đốc TT hỗ trợ nông dân – HND tỉnh Lai Châu, ông Đào Huy Cương – chủ cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Huy Cương Lai Châu.

Chi hội NNHC tỉnh Lai Châu có buổi làm việc với HH NNHC VN sáng 19/5

     Đại diện đoàn Lai Châu, ông Nguyễn Đức Thuận đã trình bày báo cáo chung về tình hình sản xuất Nông nghiệp tại tỉnh. Tỉnh Lai Châu có khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc; địa hình chủ yếu là núi cao (trên 60% diện tích có độ cao trên 1000m). Diện tích đất sử dụng cho sản xuất nông nghiêp không nhiều, 84209,3 ha chỉ chiếm 9.28% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Diện tích rừng ước đạt 479538 ha, tỉ lệ che phủ rừng ước đạt trên 51%.

     Tình hình sản xuất NNHC của tỉnh vẫn chưa mạnh mẽ, diện tích đất sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ rất ít. Sản phẩm được chứng nhận hữu cơ chủ yếu là cây chè, trong đó có 25,96 ha có chứng nhận hữu cơ của Liên Minh Châu Âu EU tại Sìn Hồ, Tam Đường; 7 ha chè tại Phìn Hồ đang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nhưng chưa đưa vào chứng nhận. Một số diện tích chè tự nhiên tại Mồ Sì San – Phong Thổ và Sà Dề Phìn – Sìn, chưa có chứng nhận.

     Tỉnh Lai Châu cũng đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng không bao bì, thuốc bảo vệ thực vật tại thị trấn Tân Uyên, xã Mường So, dự án lúa thân thiện với môi trường (SRI) tại xã Bản Lang – huyện Phong Thổ với diện tích 30ha.

     Ngoài ra, tỉnh Lai Châu cũng đã quy hoạch một số diện tích đất sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ như: dự kiến 92,98 ha chè tại Thèn Sin sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforests Allience (tiêu chuẩn chứng nhận nông nghiệp bền vững). Từng bước chuyển dần một số diện tích trồng lúa sang canh tác hữu cơ tại các huyện Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ.

     Mặc dù có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nhưng NNHC của Lai Châu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, ông Mùa A Trừ thay mặt Chi hội NNHC tỉnh Lai Châu mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ phía Hiệp hội NNHC VN để định hướng cho hoạt động của Chi hội trong thời gian tới, đề xuất Hiệp hội tổ chức các lớp tập huấn về NNHC và tạo điều kiện để triển khai các dự án NNHC tại tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Thuận đã trình bày báo cáo chung về tình hình sản xuất Nông nghiệp tại tỉnh Lai Châu

     Trước những mong muốn và tâm huyết phát triển của đoàn tỉnh Lai Châu, Chủ tịch Hà Phúc Mịch đã đưa ra một số gợi ý:

  • Con đường ngắn nhất để phát triển NNHC tại Lai Châu đó là lựa chọn, phân loại những sản phẩm OCOP địa phương sẵn có, (chọn khoảng 10 – 20/106 sản phẩm) để tập trung vào phát triển chứng nhận hữu cơ thì sẽ sớm thu được trái ngọt.
  • Điều ưu tiên nhất đó là đào tạo nguồn nhân lực phát triển hữu cơ. Cần nâng cao nhận thức của các cán bộ, thành viên Hội nông dân, Chi hội bằng các lớp tập huấn, đào tạo, truyền thông…
  • Hình thành PGS của tỉnh Lai Châu để đón đầu các dự án NNHC của các tổ chức trong và ngoài nước như: Naturland, ADDA…
  • Để thực hành và phát triển NNHC một cách hiệu quả nhất thì Chi hội cũng cần đề xuất, tham mưu với tỉnh Lai Châu để có được nghị quyết, đề án phát triển NNHC, sau đó cần có những vùng quy hoạch, chuyển đổi để mở rộng diện tích canh tác NNHC. Lựa chọn 1 – 2 dự án làm mô hình hữu cơ chuẩn, hữu cơ tuần hoàn có đầy đủ cây – con – ao hồ để cho thấy được ưu điểm của NNHC.

Việc phát triển các khu sinh thái hữu cơ (du lịch cộng đồng) cũng rất quan trọng, bởi việc này sẽ giữ gìn môi trường nguyên sơ cho Lai Châu.

Chủ tịch HND Lai Châu, ông Mùa A Trừ cám ơn những ý kiến đóng góp và kì vọng NNHC tỉnh sẽ sớm có những bước nhảy vọt

     Bổ sung ý kiến của Chủ tịch, Phó chủ tịch Trần Ngọc Thanh cũng đã đóng góp ý kiến:

  • Tổ chức thực hiện: Cần có một người làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính, hiểu rõ và được đào tạo chuyên sâu về NNHC.
  • Các mô hình đang được triển khai ở tỉnh có nhiều lợi thế: OCOP, du lịch cộng đồng, một số sản phẩm được chứng nhận nhưng cần lồng ghép các nguồn lực sẵn có: quỹ hỗ trợ nông dân, vận động doanh nghiệp, cá nhân tâm huyết với NNHC tham gia đầu tư, phát triển để tăng nguồn vốn;
  • Phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với phát triển và giữ gìn môi trường sinh thái thực sự theo hướng hữu cơ, cung cấp các sản phẩm hữu cơ, dịch vụ sử dụng các sản phẩm hữu cơ từ địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

     Từ phía góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Chiến cũng đưa ra một số ý tưởng cho Chi hội NNHC tỉnh Lai Châu:

  • Các sản phẩm nên tập trung vào cây ôn đới, các loại rau thì tập trung vào rau thuốc, rau dược liệu – chế biến khô và tươi (do có lợi thế 60% địa hình cao hơn 1000m, gần các thành phố lớn hơn).
  • Đẩy mạnh truyền thông thương hiệu.
  • Tăng cường các dự án phát triển năng lực kinh doanh cho địa phương.
  • Phát triển thị trường cho sản phẩm hữu cơ tại địa phương: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh tham gia vào thị trường hữu cơ, hợp tác bán các sản phẩm hữu cơ của địa phương.
  • Cần đưa các chứng nhận vào trong các sản phẩm OCOP sẵn có của địa phương để uy tín và tăng giá trị sản phẩm.

Cuối buổi làm việc, ông Mùa A Trừ ghi nhận các gợi ý, đề xuất của các đại biểu, đồng thời kì vọng Lai Châu với những thay đổi trong thời gian tới như: nâng cấp cơ sở hạ tầng (đường xá), mở nhiều lớp tập huấn về NNHC, có thêm kinh phí… NNHC của tỉnh sẽ ngày một được mở rộng và phát triển.

Văn phòng Hiệp hội NNHC VN