
CÁC NGUYÊN TẮC NUÔI TÔM HỮU CƠ THEO TIÊU CHUẨN NATURLAND
CÁC NGUYÊN TẮC NUÔI TÔM HỮU CƠ THEO TIÊU CHUẨN NATURLAND
Trong bối cảnh nguồn cung tôm tự nhiên hạn chế, đặc biệt là nhu cầu về tôm nhiệt đới đang ngày một tăng cao, ngành nuôi trồng thủy sản càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên, canh tác không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, như phá hủy rừng ngập mặn, sử dụng hóa chất không kiểm soát và ô nhiễm và cũng gây nguy hiểm cho người dân địa phương.
Nuôi trồng thủy sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Naturland có thể giúp giảm thiểu các vấn đề đang tồn tại, ngăn chặn các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai và cải thiện cuộc sống của nông dân.


RỪNG NGẬP MẶN
Rừng ngập mặn là hệ sinh thái quan trọng ở vùng bãi triều ven biển. Đây là nơi sinh sống của một hệ động thực vật phong phú, bảo vệ chúng trước lũ lụt và có chức năng như một trại ươm tôm cua giống. Các bộ rễ khí sinh của cây rừng giữ lại trầm tích và ngăn chặn xói mòn cũng như hấp thụ các loại trầm tích độc hại trước khi chúng đổ ra biển. Thường thì những khu rừng ngập mặn này bị phá hủy để nhường chỗ cho việc xây dựng các trang trại mới. Naturland không cho phép di dời hay phá hoại các khu rừng ngập mặn cho mục đích xây dựng hoặc cơi nới các trang trại nuôi tôm.
Các trang trại lâu đời được xây dựng trên các khu vực trước đây là rừng ngập mặn cần phải trồng lại ít nhất 50% diện tích rừng ngập mặn cũ.
Do đó, Naturland thúc đẩy sản xuất tôm bền vững kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn.
Một ví dụ điển hình cho thấy lợi ích từ việc lồng ghép rừng ngập mặn vào nuôi tôm đối với môi trường và nông dân, đó là hệ thống tôm – rừng kết hợp tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Ở đó rừng ngập mặn tăng cường sản xuất thức ăn tự nhiên trong các ao, vì vậy các loài được nuôi không cần thức ăn bên ngoài. Chất lượng nước do đó không bị ảnh hưởng bởi quá trình làm giàu dưỡng chất từ nguồn thức ăn bên ngoài.
Nhưng hệ thống tôm – rừng kết hợp này cũng có nhiều lợi thế cho nông dân như yêu cầu vốn thấp, đa dạng hóa sinh kế thông qua nuôi ghép, mang lại thu nhập thường xuyên và được công nhận là phương thức canh tác hữu cơ. Hiện tại có hơn 1200 nông dân đang nuôi tôm theo tiêu chuẩn Naturland trong hệ thống tôm – rừng kết hợp trên diện tích hơn 7000 hec-ta.
NƯỚC THẢI TRANG TRẠI
Trong nuôi tôm thâm canh, thức ăn thừa, phân và dư lượng phân bón tổng hợp được thải ra các vùng nước xung quanh. Những thứ được gọi là nước thải này rất giàu dưỡng chất và có thể gây hại cho các hệ sinh thái lân cận bằng cách gây ra hiện tượng tảo nở hoa, tích tụ nhiều trầm tích hơn và làm chết động vật do thiếu ô xy.
Ngoài ra, lượng trầm tích được giải phóng có thể gây hại cho sự phát triển và độ vững chắc cuả các rặng san hô gần đó.
Tiêu chuẩn Naturland cấm sử dụng phân bón tổng hợp và yêu cầu các biện pháp giảm thiểu các dòng chảy chứa chất dinh dưỡng hoặc chất rắn lơ lửng thoát ra bên ngoài, đặc biệt là trong quá trình thu hoạch.
Cần loại bỏ phân và cặn thức ăn chăn nuôi và tái sử dụng chúng một cách hợp lý, chẳng hạn như sử dụng làm phân bón nông nghiệp hoặc củng cố đê điều.
Mọi ảnh hưởng tới hệ sinh thái xung quanh cần phải được trang trại theo dõi và ghi lại thường xuyên.
ĐIỀU TRỊ Y TẾ
Ngành công nghiệp sản xuất tôm thông thường vẫn sử dụng kháng sinh vì lý do điều trị và phòng bệnh, điều này có thể tạo ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như tình trạng kháng kháng sinh hay tồn dư kháng khinh trong sản phẩm.
Tiêu chuẩn Naturland không cho phép điều trị tôm bằng kháng sinh, hóa trị liệu và các chất y tế tổng hợp khác.
Các tiêu chuẩn này yêu cầu tạo ra một môi trường lành mạnh cho động vật và chỉ chấp nhận các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như mật độ thả thấp, kiểm soát nguồn gốc của ấu trùng và các đầu vào, giám sát chất lượng nước và các điều kiện sinh thái.
THỨC ĂN VÀ KHẨU PHẦN ĂN
Trong nuôi tôm thông thường và thâm canh, thức ăn thường bao gồm một phần rau có nguồn gốc từ nông nghiệp thông thường, phi hữu cơ, bột cá và dầu cá được khai thác từ các nguồn dự trữ cá. Thông thường nó cũng chứa các chất phụ gia tổng hợp, như chất chống ô – xy hóa tổng hợp và chất nhuộm màu.
Tiêu chuẩn Naturland yêu cầu sử dụng thức ăn hữu cơ. Điều này nghĩa là các thành phần có nguồn gốc thực vật phải xuất phát từ nông nghiệp hữu cơ. Bột cá và dầu cá được giới hạn ở mức 20% và cũng phải có nguồn gốc từ các nguồn bền vững, chẳng hạn như thịt vụn của cá tự nhiên được đánh bắt cho nhu cầu tiêu thụ của con người.
NGUỒN GỐC TÔM GIỐNG
Để nuôi tôm, nông dân sẽ sử dụng ấu trùng tôm giống. Trong nuôi tôm thông thường, những con non này thường được khai thác từ tự nhiên với mức độ đánh bắt dày đặc, làm cạn kiệt nguồn cung tự nhiên, gây tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học của các hệ sinh thái ven biển. Hoặc người ta có thể lấy chúng từ các trại giống thông thường, nơi mà phúc lợi động vật thường bị bỏ qua để tập trung vào tăng sản lượng.
Tiêu chuẩn Naturland yêu cầu tôm giống phải có nguồn gốc từ các trại sản xuất giống hữu cơ. Không được phép sử dụng các phương pháp như cắt cuống mắt để kích thích đẻ trứng hay đánh bắt chủ động đối với tôm con.
CÁC KHÍA CẠNH XÃ HỘI
Các nguyên tắc nuôi trồng thủy sản hữu cơ có đóng góp quan trọng cho một môi trường tốt đẹp hơn, đồng thời cũng đề cập tới con người và trách nhiệm xã hội như sức khỏe, an toàn lao động và điều kiện làm việc tốt tại các nông trại và các cơ sở chế biến.
Naturland cung cấp một mạng lưới quốc tế bao gồm các nhà sản xuất, các đơn vị chế biến, bán lẻ hữu cơ và giúp nông dân hữu cơ tiếp cận thị trường quốc tế.
Cuối cùng, tương lai của ngành Thủy sản Hữu cơ tùy thuộc vào chính những nông dân như các bạn, để tạo nên một cuộc đời đáng trân trọng bằng chính những công việc của mình. Bởi chúng ta – những nông dân hữu cơ – và những gì chúng ta làm đang giúp hành tinh này trở nên tốt đẹp hơn.
Nguồn: NATURLAND
Related Posts:
- NATURLAND VÀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TIÊU CHUẨN NATURLAND VỚI CÁC…
- DỰ THẢO TIÊU CHUẨN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ THEO TIÊU CHUẨN TCVN…
- XÂY DỰNG CÁC BỘ TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG NÔNG NGHIỆP HỮU…
- MÔ HÌNH CHĂN NUÔI ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH VÀ 4 NGUYÊN TẮC…
- DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CHỨNG NHẬN HỮU CƠ…
- HỢP TÁC XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ…