CÁC CHÍNH SÁCH CÓ THỂ ÁP DỤNG CHO PGS TẠI VIỆT NAM – BÀI HỌC TỪ PGS HỘI AN

CÁC CHÍNH SÁCH CÓ THỂ ÁP DỤNG CHO PGS TẠI VIỆT NAM – BÀI HỌC TỪ PGS HỘI AN

     Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, với diện tích hành chính 6.148 ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 923,9 ha (chiếm 15%) và không có những điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, lũ và biến đổi khí hậu khiến diện tích đất nông nghiệp không ổn định. Vì vậy, để khuyến khích các nhóm nông dân sản xuất hữu cơ quy mô nhỏ, Hội An đã vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ sở để hỗ trợ tốt nhất cho nông dân tham gia sản xuất hữu cơ.

Bản đồ hành chính Thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam

     Ở Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đã biết đến từ lâu nhưng nó mới chỉ được quan tâm trong một vài năm trở lại đây, nhất là khi những vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm đến mức báo động. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện tại vẫn chỉ là những bước đầu với quy mô và phạm vi chưa lớn.

     Về chính sách, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Gần đây nhất là ngày 01/11/2019 Bộ NN& PTNT đã ban hành Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ. Nghị định cũng quy định cụ thể một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, gồm: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông. Về hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN, định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.

Ngập nặng tại khu vực đất canh tác của PGS Hội An và thời tiết mưa lũ ảnh hưởng tới sản xuất cũng như thu hoạch, sơ chế của bà con nông dân.

     Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, với diện tích hành chính 6.148 ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 923,9 ha (chiếm 15%) và không có những điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Thành phố có một phần lớn diện tích giáp biển, là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, lũ và biến đổi khí hậu khiến diện tích đất nông nghiệp không ổn định, nhiều nơi nhiễm mặn, một số vùng không thể canh tác nhiều tháng trong năm do ngập nặng… 

     Tuy nhiên, Hội An – một trung tâm du lịch của quốc gia và khu vực, hàng năm đón hàng triệu lượt du khách, mặc dù diện tích đất nông nghiệp rất ít và giá trị sản xuất chỉ đóng góp dưới 10% trong cơ cấu kinh tế, song, vai trò của nông nghiệp lại vô cùng quan trọng trong việc tạo môi trường sinh thái, cảnh quan và đặc biệt là sản phẩm sạch, an toàn cho người dân và hàng triệu khách du lịch ghé thăm. Vì vậy, Thành phố đã chủ trương phát triển Nông nghiệp đô thị và đặc biệt, khi du lịch phát triển thì kinh tế nông nghiệp được xem là vệ tinh để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch. Chính vì lẽ đó, mặc dù không phải là ngành lợi thế nhưng từ năm 2014 – 2020, Hội An đã triển khai 10 dự án NNHC trên địa bàn thành phố cho 80 nông dân và 1 hợp tác xã với tổng diện tích hơn 6 ha và tổng kinh phí đầu tư theo phê duyệt là 7 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách từ tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An là 4,2 tỷ đồng, đối ứng của nông dân, HTX là 2,8 tỷ và sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) là 1,5 tỷ đồng. 

Phát triển nông nghiệp kết hợp giáo dục và du lịch.

     Để hỗ trợ cho nông dân, Hội An đã áp dụng các văn bản quy định của UBND tỉnh Quảng Nam về chính sách hỗ trợ, cụ thể:

– Quyết định 885/QĐ-UBND, ngày 11/3/2016 UBND tỉnh QN v/v quy định mức hỗ trợ các hoạt động về PT SX và DV NT gđ 2016-2020;

– Quyết định 19/2012/QĐ-UBND, 02/7/2012 tỉnh QN v/v quy định nd chi và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí địa phương.

– Quyết định 4129/QĐ-UBND, 18/12/2019 của UBND tỉnh QN v/v Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ các hoạt động PT SX LK theo chuỗi giá trị gắn SX với tiêu thụ SP; PT ngành nghề NT và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh QN, gđ 2018 – 2020.

     Theo đó, Hội An đã xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất NNHC cho nông dân/HTX, bao gồm: hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết trong dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, tham quan học tập mô hình; hỗ trợ 100% chi phí kiểm định mẫu đất, nước; hỗ trợ 100% chi phí một lần thuê tổ chức tư vấn và đánh giá chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình hữu cơ; hỗ trợ 100% chi phí thiết kế, mua bao bì (không quá 30 triệu); hỗ trợ 50% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu; hỗ trợ 30% chi phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ 50% chi phí xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hỗ trợ tư vấn đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu; hỗ trợ 70% kinh phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; hỗ trợ 100% chi phí xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

     Thực tế là, hệ thống nước ngầm tại khu vực nông thôn của Hội An hầu hết đều bị nhiễm phèn nên ảnh hưởng đến chất lượng nước tưới, Hội An đã linh hoạt vận dụng chính sách và nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ thêm cho nông dân trong tưới tiêu, cụ thể: Hội An đã hỗ trợ 50% chi phí xây dựng bể lọc từ nguồn sự nghiệp thủy lợi. Bên cạnh đó, để hỗ trợ hệ thống bờ bao, giàn lối đi, cổng ra vào, Hội An cũng hỗ trợ 50% chi phí và 30% chi phí mua công cụ sản xuất dễ hư hỏng (bạt, lưới che nắng, cuốc, xẻng, bình ô doa, rổ…) từ nguồn sự nghiệp kinh tế/sự nghiệp nông nghiệp/chương trình tam nông. Thêm vào đó, để khuyến khích động viên nông dân, Hội An cũng có chính sách hỗ trợ bù thu nhập cho nông dân trong 6 tháng chuyển đổi ban đầu với mức hỗ trợ 500.000đ/500 m2/mỗi nông dân, hỗ trợ phí hoạt động của nông dân để thành lập nhóm sản xuất, tham gia hệ thống PGS Hội An với mức 150.000 đ/người/tháng trong 6 tháng đầu.

Một số hình ảnh về PGS Hội An

     Nhằm hỗ trợ cho hoạt động cấp chứng nhận PGS, Hội An cũng hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác thanh tra, hội họp của Ban điều phối PGS Hội An, mua bộ kit test nhanh sản phẩm, sau mỗi năm khi bị lũ lụt, Hội An cũng hỗ trợ nông dân 100% chi phí kiểm tra lại mẫu đất, mẫu nước.

     Đối với Hội An – thành phố du lịch, sản xuất nông nghiệp “sinh thái”, Nông nghiệp hữu cơ là chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất một cách bền vững. Trong đó, Nông nghiệp hữu cơ không chỉ đem lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn mang lại sự cân bằng về môi trường sinh thái, môi trường sống, sức khỏe cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và đất đai.

     Tuy nhiên, Hội An cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình mở rộng diện tích canh tác hữu cơ và hướng phát triển là những vùng nào đủ điều kiện sản xuất hữu cơ thì tập trung đầu tư sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận sản phẩm hữu cơ PGS Hội An. Những vùng nào chưa đủ điều kiện chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ thì vận động, đầu tư cho nông dân sản xuất theo quy trình canh tác không hóa chất độc hại để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe, hệ sinh thái, đất đai, nhưng tầm nhìn sẽ luôn hướng tới sản xuất ra những sản phẩm hữu cơ đảm bảo đạt chứng nhận hữu cơ PGS và các chứng nhận hữu cơ quốc gia, quốc tế.  

     Bằng rất nhiều nỗ lực của mình về vận động chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất hữu cơ, Hội An vẫn phát triển nông nghiệp hữu cơ từng bước với phương châm “Tuy chậm mà chắc“.

Trần Huỳnh Hải Yến – PGS Hội An