Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, của hệ sinh thái và con người. Nó dựa chủ yếu vào các tiến trình sinh thái, sự đa dạng sinh học và các chu trình thích nghi với điều kiện địa phương hơn là sử dụng các yếu tố đầu vào mang theo những ảnh hưởng bất lợi. Nông nghiệp hữu cơ kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích cho môi trường chung, thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả các thành phần tham gia vào NNHC – Đại hội đồng IFOAM 2008.
Các nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, công bằng và cẩn trọng là gốc rễ để Nông nghiệp hữu cơ hình thành và phát triển. Các nguyên tắc này thể hiện những đóng góp mà Nông nghiệp hữu cơ có thể mang lại cho thế giới và một tầm nhìn cải thiện toàn bộ nền nông nghiệp trong bối cảnh toàn cầu.
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hữu cơ cần đảm bảo 4 nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc về sức khoẻ:
Nông nghiệp hữu cơ cần đảm bảo và tăng cường sức khoẻ của đất, của cây trồng, động vật, con người và cả hành tinh như một thể thống nhất không thể tách rời.
Nguyên tắc này chỉ rõ rằng sức khoẻ của mỗi cá thể và quần thể không thể tách rời khỏi sức khoẻ của hệ sinh thái. Đất “khoẻ” tạo ra cây trồng khỏe, để nuôi dưỡng sức khoẻ của vật nuôi và con người. Vai trò của nông nghiệp hữu cơ dù là trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ hay tiêu dùng thì đều cần đảm bảo duy trì và tăng cường sức khoẻ của hệ sinh thái và các sinh vật sống từ nhỏ nhất ở trong đất đến con người. Đặc biệt, nông nghiệp hữu cơ tập trung sản xuất các loại lương thực thực phẩm có chất lượng cao, giàu dinh dưỡng để cung cấp và bảo vệ sức khoẻ của con người. Trên cơ sở nguyên tắc này, nông nghiệp hữu cơ phải tránh sử dụng các loại phân hoá học tổng hợp, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kháng sinh và các chất kích thích – mà đó là những nguyên liệu đầu vào có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
2. Nguyên tắc về sinh thái:
Nông nghiệp hữu cơ dựa vào hệ sinh thái sống động và chu trình tự nhiên. Các thành phần trong hệ sinh thái làm việc cùng nhau, cạnh tranh nhau và cùng nhau duy trì cuộc sống.
Nguyên tắc này gắn NNHC sâu vào trong hệ sinh thái năng động. Nó cho thấy sản xuất phải được dựa vào các tiến trình của sinh thái và sự tái sinh. Để có được thức ăn và sức khỏe tốt phải thông qua sinh thái của môi trường sản xuất cụ thể. Ví dụ như đối với cây trồng thì cần có một môi trường đất sống động, đối với động vật nuôi cần có hệ sinh thái trang trại, đối với cá và các sinh vật biển là môi trường nước.
Các hệ thống canh tác hữu cơ, đồng cỏ chăn thả và hệ thống thu hái tự nhiên cần phù hợp với các chu trình sinh thái và sự cân bằng trong tự nhiên. Quá trình quản lý phải phù hợp với quy mô, với văn hóa với sinh thái và các điều kiện địa phương. Giảm thiểu đầu vào bằng cách tái sử dụng, tái chế và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng và vật liệu đầu vào để duy trì và cải thiện chất lượng môi trường và bảo tồn các nguồn lực.
3. Nguyên tắc về sự công bằng:
NNHC cần xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng cùng với sự quan tâm đến môi trường chung và những cơ hội sống cho tất cả các sinh vật.
Sự công bằng được mô tả như là sự hợp tình hợp lý, sự tôn trọng, ngay thẳng và tận tình đối với con người và cả với những mối quan hệ với các đời sống khác ở xung quanh. Nguyên tắc này nhấn mạnh rằng tất cả những gì có liên quan đến nông nghiệp hữu cơ cần đối xử trong mối quan hệ như con người đảm bảo công bằng tới tất cả các tầng lớp và các bên liên quan: nông dân – công nhân – trí thức – nhà phân phối – thương nhân và người tiêu dùng. Nó cũng bao hàm rằng các vật nuôi hữu cơ cần được tôn trọng và được cung cấp những điều kiện và cơ hội sống theo bản năng, tập tính tự nhiên và sống thoải mái.
Công bằng còn được thể hiện trong cách sử dụng và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên không chỉ đảm bảo tính sinh thái mà còn chú trọng đến tính xã hội trong sự tin tưởng đối với các thế hệ tương lai. Sự công bằng này đòi hỏi các hệ thống sản xuất, phân phối và thương mại cần cởi mở và công bằng tính toán đến các chi phí thực tế cho môi trường và xã hội.
4. Nguyên tắc về sự cẩn trọng:
NNHC cần được quản lý theo cách phòng ngừa và có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đó là những quan tâm chính trong việc lựa chọn cách quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ.
NNHC cần ngăn ngừa những khả năng rủi ro trước khi áp dụng công nghệ và không chấp nhận sử dụng những công nghệ không thể dự đoán được những hậu quả của nó như công nghệ gen chẳng hạn.
Người làm nông nghiệp hữu cơ có thể cố gắng tìm cách tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, nhưng không được gây ra các nguy cơ có hại cho sức khoẻ và đời sống muôn loài. Do đó, các công nghệ mới cần được đánh giá và cân nhắc các phương pháp hiện tại đang vận dụng. Những hiểu biết chưa đầy đủ về nông nghiệp và sinh thái khi được đưa ra cần phải được cân nhắc cẩn thận.
Nông nghiệp hữu cơ cần phòng ngừa các rủi ro nghiêm trọng thông qua áp dụng các công nghệ thích hợp và loại bỏ những công nghệ khó lường trước như kỹ thuật chuyển gen. Các quyết định nên phản ánh các giá trị và nhu cầu của tất cả mọi đối tượng có thể bị ảnh hưởng thông qua quá trình minh bạch có sự tham gia.
Mời anh chị đọc thêm bài viết: Tổng quan về nông nghiệp hữu cơ Việt Nam