BÁO CÁO CHỈ RA SỰ LỚN MẠNH VÀ THÁCH THỨC CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN HỮU CƠ MỸ

BÁO CÁO CHỈ RA SỰ LỚN MẠNH VÀ THÁCH THỨC CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN HỮU CƠ MỸ

Quỹ Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ của Mỹ (OFRF) gần đây đã công bố Chương trình Nghị sự nghiên cứu hữu cơ quốc gia năm 2022 (NORA). Nó chỉ ra rằng trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ đang tăng lên nhưng người nông dân vẫn phải đối mặt với các thách thức trong việc sử dụng và chuyển đổi sang thực hành hữu cơ.

Được xuất bản mỗi 5 năm một lần, NORA tìm cách xác định những thách thức chính mà người nông dân hữu cơ phải đối mặt. Báo cáo sử dụng dữ liệu khảo sát để làm nổi bật các lĩnh vực nghiên cứu và các khuyến nghị giải quyết trực tiếp các nhu cầu cho nông dân. Báo cáo năm nay dựa trên phản hồi của hơn 1100 nông dân được chứng nhận hữu cơ và 71 nông dân đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. 

Ảnh: Jeeray Tang, Unsplash

Báo cáo NORA cho thấy vào năm 2020, doanh số bán thực phẩm hữu cơ tại Mỹ tăng 12% so với năm 2019, vượt 56 tỉ USD.

Việc mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đang hỗ trợ cho môi trường. Bà Brise Tencer – Giám đốc điều hành tại OFRF và đồng tác giả của báo cáo đã phát biểu: “Phát hiện của chúng tôi xác nhận rằng các nhà sản xuất hữu cơ dẫn đầu cả nước trong các thực hành quản lý sức khỏe đất như trồng cây che phủ, trồng rừng bảo tồn lâu năm, bảo tồn nước ở những vùng dễ bị hạn hán”.

Nhưng thách thức vẫn tồn tại đối với nông dân hữu cơ, với 67% người được hỏi phản hồi rằng cỏ dại gây ra các vấn đề trong sản xuất. Ngoài ra, 59% báo cáo rằng chi phí quản lý sản xuất cũng là một thách thức. Các tác giả cho rằng vẫn cần nghiên cứu bổ sung để giải quyết những vấn đề này. 

Người nông dân hữu cơ da đen, thổ dân và người da màu (BIPOC) báo cáo rằng họ gặp nhiều thách thức hơn so với những người nông dân không thuộc BIPOC. Những vấn đề này liên quan tới chi phí sản xuất, cỏ dại, dịch bệnh, lao động, chi phí chứng nhận, đảm bảo vốn và tín dụng. Đáp lại, các tác giả đã kêu gọi những hành động khẩn cấp bao gồm tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai và các chương trình cố vấn cho những nông dân BIPOC.

Bà Tencer nói: “Việc đầu tư quá mức trong quá khứ vào nghiên cứu, giáo dục và khuyến nông là rào cản lớn nhất để chuyển đổi sang canh tác hữu cơ được chứng nhận, nhưng khả năng tiếp cận đất đai và vốn cũng là rào cản đối với nông dân. Khi chuyển đổi sang thực hành hữu cơ, đất của nông dân có thể không sản xuất hết công suất, điều này gây khó khăn cho việc trả tiền thuê đất.”

“Phải mất ba năm để chuyển đổi đất canh tác thông thường sang sản xuất hữu cơ. Đối với những nông dân trồng trọt trên đất thuê, họ có thể không cho rằng việc đầu tư này là đáng giá trừ khi họ có hợp đồng thuê dài hạn”.

Những nông dân được khảo sát cho biết họ muốn có các chương trình cố vấn giữa nông dân và nông dân và một địa điểm tập trung cho các nguồn lực về canh tác hữu cơ.

Báo cáo cũng khuyến nghị các biện pháp can thiệp chính sách bao gồm tăng cường tài trợ và nguồn lực của liên bang, đảm bảo tính toàn vẹn của nhãn hữu cơ được chứng nhận và hoàn thiện các sản phẩm hữu cơ để trở nên thân thiện hơn với môi trường. Điều này có thể làm cho việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ trở nên hấp dẫn hơn đối với nông dân.

Trong khi báo cáo tập trung vào nông dân hữu cơ, bà Tencer tin rằng những phát hiện trên có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nhà sản xuất. “Những thực hành tuần hoàn hữu cơ này xây dựng đất khỏe cho mọi người. Đất bảo vệ tài nguyên, tích lũy carbon và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu – điều mà tất cả nông dân, hữu cơ và không hữu cơ, đều phải đối mặt.”

Bà Tencer hy vọng rằng báo cáo đóng vai trò như một hướng dẫn cập nhật cho việc nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển chính sách nhằm trao quyền cho các nhà sản xuất hữu cơ phát triển và tiếp tục thực hiện các thực hành thân thiện với khí hậu.

https://foodtank.com/news/2022/05/report-highlights-growth-and-challenges-for-organic-farmers/